Không nuôi con bằng sữa mẹ: Thiếu hiểu biết = hại con?

07:00 | 01/08/2024;
Vừa sinh con xong, chị Lê Nam Anh (25 tuổi, ở tỉnh Nam Định) quyết định cho con ăn sữa bột hoàn toàn, bất chấp lời can ngăn của gia đình hai bên. Theo quan điểm của chị, việc cho ăn sữa công thức sẽ giúp con thông minh hơn vì trong sữa công thức có nhiều chất hơn. Mặc dù bị căng sữa đến phát sốt nhưng chị Nam Anh vẫn nhất quyết vắt bỏ đi và cho con uống sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.

Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ (World Breastfeeding Week) được Liên minh Thế giới hành động vì Nuôi con bằng sữa mẹ (WABA) từ năm 1991, diễn ra từ ngày 1/8 đến 7/8 hàng năm. Đây là một hoạt động thường niên nhằm khuyến khích sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội để mọi trẻ em đều có cơ hội hưởng nguồn dinh dưỡng không thể thay thế từ sữa mẹ.

Trẻ bị tiểu đường khi mới 3 tháng tuổi

3 tháng sau, khi con bị sốt, chị Nam Anh đưa con đến bệnh viện khám và phải làm xét nghiệm tổng thể. Bác sĩ cho biết bé bị tiểu đường. Trường hợp trẻ sơ sinh bị tiểu đường rất hiếm, vì vậy, sau khi nghe tiền sử nuôi con của chị Nam Anh, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân do bé không được bú sữa mẹ và uống sữa công thức từ khi mới lọt lòng.

Trong quá trình chăm sóc bé, người giúp việc đã đề xuất cho thêm đường vào sữa công thức để bé "dễ uống" và đã được sự đồng ý của chị Nam Anh. Lúc này chị mới hối hận vì thiếu hiểu biết.

Mới được 20 ngày tuổi, bé Trần Hoài Nam (Quảng Ninh) đã bị viêm đường ruột. Từ lúc mới sinh, để giữ vóc dáng đẹp, mẹ của bé đã cho con uống sữa công thức thay cho sữa mẹ. Do bé lười uống sữa nên mẹ bé liên tục thay đổi loại sữa với hy vọng con "hợp" với loại sữa nào đó. Tuy nhiên, mới được 20 ngày tuổi, bé đã bị viêm đường ruột, phải đi bệnh viện cấp cứu và điều trị lâu dài.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ không được bú mẹ hoàn toàn có thể tăng nguy cơ tử vong khi mắc phải một số bệnh trong những năm tháng đầu đời. Thống kê cho thấy, 45% trường hợp bị tử vong do nhiễm trùng sơ sinh, 30% trường hợp tử vong do tiêu chảy cấp, 18% trường hợp tử vong do nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Theo một số nghiên cứu, những trẻ không được bú mẹ có nguy cơ tử vong cao hơn 14 lần so với trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Những trẻ uống sữa công thức hoàn toàn thường dễ bị tiểu đường tuýp 2 hơn so với trẻ được bú sữa mẹ. Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị mắc phải các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, dị ứng, viêm phổi, các bệnh về đường ruột. Bởi vì sữa công thức không thể cung cấp những kháng thể và men tiêu hóa tự nhiên như sữa mẹ.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều người đã không cho con bú sữa mẹ trong 2 năm đầu đời, thậm chí còn không nuôi con bằng sữa mẹ.

Không nuôi con bằng sữa mẹ: Thiếu hiểu biết = hại con?- Ảnh 1.

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Khanh hướng dẫn mẹ cho trẻ bú. Ảnh: T.T

Không nên lấy lý do giữ dáng để từ bỏ việc cho con bú

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Khanh (Khoa sản theo yêu cầu, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh) cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều người lựa chọn nuôi con bằng sữa bột bởi cho rằng, nuôi con bằng sữa công thức vừa tốt cho con vừa giữ được vóc dáng cho mẹ.

Theo bác sĩ Khanh, nuôi con bằng sữa mẹ là trách nhiệm và nghĩa vụ của người mẹ. Việc lựa chọn nuôi con bằng sữa công thức chỉ nên được cân nhắc trong những trường hợp khi người mẹ không thể cho con bú hoàn toàn do các vấn đề sức khỏe hoặc lý do khác.

"Về mặt vóc dáng, việc cho con bú có thể giúp người mẹ giảm cân tự nhiên sau sinh do cơ thể đốt cháy calo để sản xuất sữa. Tuy nhiên, tốc độ giảm cân của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, tập luyện và cơ địa. Việc lo lắng về vóc dáng sau sinh không nên là lý do để mẹ từ bỏ việc cho con bú", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh cho biết thêm, sữa mẹ được xem là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mang lại nhiều giá trị vượt trội so với sữa công thức mà không thể thay thế được. Sữa mẹ chứa các kháng thể từ cơ thể mẹ, giúp bé tăng cường hệ miễn dịch, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, tiêu hóa và hô hấp.

Sữa mẹ cung cấp đầy đủ các vitamine, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ, ở tỷ lệ tối ưu và dễ hấp thu.

"Chất béo trong sữa mẹ có cấu trúc đặc biệt, dễ tiêu hóa và cung cấp axit béo thiết yếu cho sự phát triển não bộ và thị giác của trẻ. Trong khi đó, sữa bột thường sử dụng chất béo thực vật, có thể khó tiêu hóa hơn và thiếu hụt axit béo thiết yếu.

Sữa mẹ chứa nhiều vi khuẩn có lợi hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp bé hấp thu dinh dưỡng tốt hơn và phòng ngừa các bệnh tiêu hóa trong khi sữa bột thường thiếu hụt men vi sinh có lợi. Sữa mẹ có cấu trúc protein và chất béo phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ sơ sinh, giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Sữa bột có thể khó tiêu hóa hơn, dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, táo bón, tiêu chảy", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, trẻ bú sữa mẹ có ít nguy cơ mắc các bệnh như: béo phì, tiểu đường, dị ứng, hen suyễn, viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp, đột tử ở trẻ sơ sinh... Sữa bột không mang lại những lợi ích lâu dài này. Chưa kể, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn miễn phí, trong khi sử dụng sữa bột tốn kém chi phí mua sắm và pha chế.

Theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế, trẻ nên được nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục được cho bú đến 2 tuổi hoặc lâu hơn nếu có thể.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn