Hỏi lương của nhau vẫn được coi là một điều cấm kỵ trong giao tiếp chốn công sở. Khi các nhân viên cùng bậc (thậm chí là khác vị trị) biết mức lương của người kia, sự sân si, ganh ghét, đố kị ít nhiều sẽ nổi lên. Cũng vì lý do này mà công ty khi ký hợp đồng lao động với một người nào đó sẽ luôn nhắc nhở họ phải giữ kín con số thù lao của mình.
Cứ đến ngày cuối tháng, đồng nghiệp nào mà "mặt dày" đi hỏi lương thì vô duyên phải biết! Nhưng đó vẫn chưa phải là câu nói bị ghét nhất đâu nha! Còn một kiểu giao tiếp khác khiến chị em công sở cũng rất ức chế. Đáng buồn, chẳng mấy ai nhận ra điều này cả!
Đó là kiểu lương cao nhưng chuyên than vãn với đồng nghiệp gặp khó khăn về tài chính hay lương thấp hơn mình!
Thảo và Linh là hai đồng nghiệp cùng cấp trong công ty X. Mặc dù thâm niên như nhau nhưng ai cũng hiểu Thảo sẽ có mức lương cao hơn Linh vì nhiều lý do. Thứ nhất, Thảo có bằng thạc sĩ tốt nghiệp Đại học xuất sắc, trong khi đó Linh chỉ là dân "đá ngang" làm trái ngành. Hơn nữa, Thảo cũng trẻ tuổi hơn Linh nên về độ năng nổ, nhiệt huyết cũng hơn cô đồng nghiệp.
Chuyện lương của Thảo cao hơn Linh là điều hiển nhiên nhưng chỉ là không nói ra. Chính Thảo cũng từng lén xem trộm mail thông báo lương của Linh và chắc chắn về điều đó.
Thế nhưng Thảo có một tính rất xấu là thích "cà khịa" những đồng nghiệp lương thấp hơn mình. Đã thế, cô này còn dùng sự lươn lẹo cá nhân để kích bác đối phương. Chẳng hạn như Thảo rất hay than hết tiền khi vừa mới nhận lương được vài ngày. Thảo thường sử dụng cú pháp quen thuộc:
"Không hiểu sao tháng này lương ít thế nhỉ, tiêu vèo cái là hết. Nào là mua đồ mỹ phẩm, shopping, đi spa, đi tập gym, đi xem phim... Biết bao nhiêu là thứ tiền cần phải lo chứ!"
Những lúc nghe Thảo than vãn như vậy, Linh vừa thấy tức vừa thấy tủi thân. Tủi thân là vì đồng cấp với nhau ở công ty nhưng người ta được lương cao, mua sắm thoải mái, trong khi Linh tháng nào cũng phải chắt chiu tiết kiệm. Còn tức là vì Linh cũng biết lương Thảo chẳng thấp mà rất hay kêu ca như thể là bị bóc lột không bằng!
Các đồng nghiệp khác cũng không ưa gì thái độ của Thảo, suốt ngày than vãn để nhận được sự thương cảm của người khác, đồng thời "thăm dò" tình hình lương tháng của mọi người như thế nào. Họ luôn suy nghĩ trong đầu rằng Thảo hẳn sẽ thấy rất vui khi biết đồng nghiệp lương không cao bằng mình. Dần dần, chẳng ai muốn nghe những câu chuyện của Thảo nữa và luôn tự tránh xa cô nàng thảo mai xảo trá này.
Mặc dù bây giờ hầu hết các công ty không công khai bảng lương nhưng sau một thời gian làm việc cùng, chúng ta cũng hoàn toàn phán đoán được mức thù lao từng người, từ đó có sự so sánh, đối chiếu. Việc bạn có mức lương cao nhưng cứ than vãn chỉ khiến người khác cảm thấy mệt mỏi và nghĩ chúng ta quá thảo mai mà thôi!
Thứ hai, chẳng một ai muốn nghe lời than vãn chốn công sở. Bởi nó giống như một nguồn năng lượng tiêu cực kéo tâm trạng của mỗi người xuống. Chị em than vãn càng nhiều, đồng nghiệp càng muốn tránh xa và tạo khoảng cách. Họ muốn mỗi ngày đến cơ quan là một ngày vui vẻ chứ không phải để nghe gánh nặng của bất cứ ai cả!
Với một đồng nghiệp gặp khó khăn về tài chính hay có lương thấp hơn chúng ta, họ có quá nhiều thứ phải lo nghĩ, tính toán. Nếu chị em chỉ muốn khoe khoang, thể hiện thì sẽ rất dễ làm mất lòng người kia.
Vì thế, dù thế nào cũng phải thật khiêm tốn để không một ai có thể phê bình lối sống của chúng ta. Thay vì khoe tháng này bạn đã tiêu xài ra sao, hãy nói về một khoản chi mà bạn rất tâm đắc. Ví dụ như chi tiền để đi học một khóa thiền giúp nâng cao sức khỏe tinh thần chẳng hạn!
Hãy thật cẩn trọng khi than vãn về lương thưởng, quyền lợi chị em nhé!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn