PGS.TS. Lê Văn Quảng cho biết, đối với một số ung thư ở giai đoạn sớm thì người bệnh vẫn có cơ hội mang thai sau khi điều trị. Ví dụ, ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm có thể giữ cổ tử cung và buồng trứng để có cơ hội mang thai. Khi mang thai, người trong cuộc cần dùng biện pháp khâu cổ tử cung để giữ thai. Nếu ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn hơn mà phải điều trị cắt bỏ toàn bộ cổ tử cung nhưng để lại buồng trứng để lưu giữ trứng thì vẫn có cơ hội nhờ người mang thai hộ.
Đối với ung thư vú, dù ở giai đoạn sớm hay muộn đều ảnh hưởng đến người mẹ mang thai. Khi bị ung thư, người bệnh bắt buộc phải điều trị theo hướng phác đồ phụ thuộc vào thể trạng của bệnh nhân, phụ thuộc thai kỳ được bao nhiêu tuần... để chọn phác đồ an toàn cho người mẹ và thai nhi. Có những trường hợp chăm sóc từ tuần 20 trở lên đến tuần thứ 30 để con khỏe mạnh mới mổ lấy thai.
Đối với ung thư tuyến giáp, tỉ lệ nữ giới mắc tuyến giáp cao hơn nam giới từ 2 đến 4 lần. Các nghiên cứu cho thấy khi phụ nữ mang thai, nguy cơ bị u tuyến giáp tăng khoảng 10% (cả u lành và u ác). Nguyên nhân là do khi mang thai, trong cơ thể tiết ra chất ảnh hưởng đến hormone tuyến giáp. Phát triển của tuyến giáp gây tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Phụ nữ bị ung thư tuyến giáp vẫn có thể chữa khỏi bệnh vì độ ác tính thấp. Người bệnh vẫn có thể sinh con bình thường. Chẳng may khi đang mang thai mà bị ung thư tuyến giáp thì bác sĩ sẽ cân nhắc có mổ ngay hay không, nếu phải mổ sẽ mổ ở thời điểm 3 tháng giữa của thai kỳ.
Trong khoảng thời gian 3 tháng đầu và 3 tháng cuối không nên mổ. Lúc này nhu cầu hormone tuyến giáp của người đó cao hơn, thai nhi chưa tự sản xuất được thì bắt buộc phải mổ tuyến giáp. Một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư là thiếu i-ốt hoặc thừa i-ốt. Vì vậy, phụ nữ cần đo định lượng i-ốt trong thời kỳ mang thai để bổ sung hợp lý.
Khi đã phát hiện bệnh, người trong cuộc nên đến bác sĩ chuyên khoa để cân nhắc việc mổ hay không. Có những bệnh ung thư bắt buộc phải mổ, có những bệnh ung thư có thể theo dõi được sau khi sinh con.
"Không phải tất cả các giai đoạn ung thư đều buộc phải đình chỉ thai nghén để điều trị. Hoặc không phải có thai thì tế bào ung thư sẽ tiến triển nhanh, bắt buộc người phụ nữ không được có con. Hiện nay khoa học phát triển, có sự kết hợp giữa các ngành. Đây là điều kiện tốt để chăm sóc sức khỏe người phụ nữ trong quá trình điều trị ung thư", PGS.TS. Lê Văn Quảng, cho biết.
Theo Giám đốc Bệnh viện K, ung thư vú và ung thư cổ tử cung là hai bệnh phổ biến của phụ nữ. Trong đó, ung thư cổ tử cung do HPV là chính. Vì vậy, cần tiêm phòng HPV tuýp 16, 18, 31. Lứa tuổi tốt nhất để tiêm là từ 11 đến 12 tuổi và 19-26 tuổi. Không nên quan hệ tình dục quá sớm và không có nhiều bạn tình để tránh nguy cơ bị ung thư cổ tử cung. Để phòng bệnh, phụ nữ trên 30 tuổi cần đi khám cổ tử cung định kỳ, làm xét nghiệm Pap (tầm soát ung thư cổ tử cung) để xem cổ tử cung có tế bào bất thường hay không.
Đối với ung thư vú, nguyên nhân có thể do yếu tố nội sinh như có kinh sớm, mãn kinh muộn, những bệnh tuyến vú lành tính. Sau 40 tuổi, phụ nữ cần khám sàng lọc. Với những người có yếu tố gia đình, ví dụ có mẹ, chị em gái bị ung thư vú thì cần đi khám sớm hơn để kịp thời phát hiện và điều trị. Phương pháp sàng lọc ung thư vú là có thể tự khám vú hàng tháng sau khi sạch kinh nguyệt từ 3 đến 5 ngày hoặc thực hiện khám, chụp tuyến vú.
"Bệnh viện K hàng năm có chương trình sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung cho phụ nữ nhưng không được nhiều. Vì vậy, cần tuyên truyền để phụ nữ nắm bắt cơ hội phát hiện sớm 2 loại ung thư trên", TS. Lê Văn Quảng nhấn mạnh.
"Phụ nữ nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm những tổn thương, u có khả năng bị ung thư thì cần được xử lý trước khi mang thai. Sau khi xử lý u, người phụ nữ muốn mang thai phải đợi sau 2 năm để ổn định và được sự tư vấn từ bác sĩ. Quá trình mang thai, người trong cuộc phải đi khám định kỳ để phát hiện có ung thư hay không để xử lý tiếp".
PGS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn