Đó là lời than vãn của anh L.(ngụ tại Q.4, TPHCM) - người trước đây từng lầm lỡ, sa chân vào vòng lao lý. Trong thâm tâm, anh đã cố quên đi quãng đời lầm lỡ ấy nhưng quả là rất khó khi trên mạng vẫn còn lưu giữ những thông tin về vụ án đã diễn ra hơn chục năm trước. Khổ nhất là gần đây, con trai anh vô tình tra cứu được thông tin về cha mình trên Google và anh buộc phải thú nhận tất cả mọi chuyện với con, khiến đứa trẻ sau đó rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý.
Ở nước ngoài, những câu chuyện liên quan đến sự “phiền toái” mà mạng internet gây ra khi “kiên quyết” gợi lại chuyện từ quá khứ, không chịu cho ai đó quyền được lãng quên, từ nhiều năm nay đã trở thành một đề tài xã hội rộng lớn.
Internet lưu trữ nhiều thông tin có ích nhưng đồng thời giữ cả những thông tin "cần được lãng quên"
Một cái tên nổi tiếng là Mario Costeja (người Tây Ban Nha). Có lẽ ông Mario vẫn mãi chỉ là một người bình thường như bao người khác, nếu như không có chuyện tên của ông được lưu trữ trên công cụ tìm kiếm Google gắn liền với một số rắc rối về tài chính vào những năm 1990, buộc phải bán nhà để trả nợ. Từ bấy đến nay, nhiều chuyện đã thay đổi, Mario đã vượt qua khó khăn tài chính, trở thành một người thành đạt, song những thông tin về việc ông “nợ như Chúa Chổm” vẫn thỉnh thoảng được ai đó nhắc tới, mỗi khi vô tình tìm thấy trên mạng. Điều này gây bất lợi đến tâm lý và làm tổn hại đến uy tín của ông.
Bức xúc đó thôi thúc ông trở thành một trong những người tiên phong ủng hộ “quyền được lãng quên” trên thế giới mạng, đấu tranh đòi quyền xóa dữ liệu từ bất kỳ công ty nào đang lưu trữ dữ liệu cá nhân của mình.
Gần như cùng lúc, Max Schrems, một cử nhân luật 25 tuổi người Áo, cũng gửi đơn kiện Facebook lên Văn phòng Ủy viên bảo vệ dữ liệu Ireland (đơn vị điều hành các hoạt động của Facebook tại châu Âu) với cáo buộc mạng xã hội này vẫn lưu trữ 1.200 trang dữ liệu cá nhân của anh. Theo Max Schrems, mặc dù vụ kiện đang được xử lý khá chậm chạp, nhưng cũng đã đạt được những thành công bước đầu, chẳng hạn như chính sách riêng tư mới hay những thay đổi về việc lưu trữ dữ liệu của người dùng Facebook.
Để sai lầm “ngủ yên”
Bộ nhớ của internet dường như vô tận, có thể lưu lại thông tin từ năm này qua năm khác, thậm chí từ đời này sang đời khác. Thế nhưng, trong cuộc sống không phải bất cứ lúc nào, bất cứ việc gì được “nhớ lâu” cũng đều tốt. Có rất nhiều chuyện cần phải được quên đi, cần phải được chôn vùi vào dĩ vãng. Những kho dữ liệu cá nhân khổng lồ trên internet đã “gây khó” cho điều này. Vì thế, ngày càng có nhiều người đứng ra đấu tranh cho “quyền được lãng quên”.
Chỉ cần một cú click chuột mọi thông tin trong quá khứ đều được xới lại
Đáp ứng nguyện vọng này, những quy định mới của Liên minh châu Âu về “quyền được lãng quên” đang được Ủy viên châu Âu phụ trách Tư pháp Viviane Reding đảm trách. Vị quan chức này cho biết, trong thời gian tới, nhiều khả năng những công ty từ chối tôn trọng các yêu cầu của khách hàng về việc xóa dữ liệu cá nhân sẽ phải đối mặt với án phạt nghiêm trọng.
Những người ủng hộ “quyền được lãng quên” cho rằng, nếu không biết cách quên, con người sẽ không biết được niềm hạnh phúc, không có tâm trạng vui vẻ, niềm hy vọng, và cũng khó nhận thức đúng về hiện tại. Con người không ai tránh được sai lầm trong cuộc đời, do đó, việc chấp nhận sự “sửa sai” là một chọn lựa mang tính nhân văn. Thực thi “quyền được lãng quên” trên thế giới mạng chính là điều cần thiết để đảm bảo tính nhân văn ấy.
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây do nhóm bảo vệ quyền riêng tư Big Brother Watch (Anh) thực hiện cho thấy: 68% người Anh quan tâm đến quyền riêng tư trên mạng, 22% tỏ ra đặc biệt quan tâm đến điều này. Tại Pháp, hàng ngày, cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia nhận được không ít yêu cầu xóa những thông tin cá nhân lỗi thời hay các bức ảnh không đúng sự thật trên blog hay trang web. Cụ thể, có tới 1/6 số đơn thư khiếu nại mà cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu Pháp nhận được trong mỗi năm liên quan đến “quyền được lãng quên” trên mạng. Số yêu cầu được xóa bỏ thông tin sai lệch đã lên tới 42%. |