Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người

17:21 | 29/07/2024;
Đây là chủ đề của hoạt động Hưởng ứng "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người" sẽ diễn ra sáng mai (30/7) tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai).

Sáng 30/7, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) với chủ đề "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người" tại tỉnh Lào Cai.

Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người- Ảnh 1.

Trong đó, trọng tâm của chuỗi hoạt động này là Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người", "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" năm 2024.

Thông qua lễ phát động nhằm tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người hiện nay, nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân, góp phần làm giảm các nguy cơ, đẩy lùi tội phạm mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời nâng cao nhận thức về trách nhiệm phòng, chống mua bán người, nhất là mua bán trẻ em cần trở thành công việc thường xuyên, lâu dài để mỗi gia đình, mỗi trẻ em trên thế giới này đều được sống trong yên bình, hạnh phúc.

Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người- Ảnh 2.

Trẻ em gái tìm hiểu thông tin về biện pháp phòng chống mua bán người. Ảnh: PVH

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng đài 1900 96 96 80 của Ngôi nhà Bình yên (NNBY) thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) đã tiếp nhận 942 cuộc gọi (tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái), thực hiện 1.546 lượt tham vấn.

Tổng số người tạm lánh của NNBY Hà Nội và Cần Thơ là 43 người, trong đó nạn nhân BLGĐ là 34 người tạm trú (NTT), nạn nhân mua bán trở về là 09 NTT, gồm 25 phụ nữ, 18 trẻ em.

Trong kỳ báo cáo, có 144 phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ), nạn nhân mua bán người (MBN) trở về được phát hiện (BLGĐ 123 người, MBN 21), các cấp Hội đã giúp đỡ 122/144 nạn nhân được tiếp cận ít nhất 01 dịch vụ trợ giúp xã hội, đạt tỷ lệ 85%.

Ban tổ chức cho biết, mua bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Báo cáo Toàn cầu về Mua bán người gần đây nhất của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho biết: cứ 3 nạn nhân mua bán người trên thế giới, lại có 1 nạn nhân là trẻ em; trẻ em bị mua bán phải chịu đựng bạo lực cao hơn người lớn. Trẻ em phải đối mặt với tình trạng lạm dụng, ép buộc lao động, bị bán làm cô dâu, phải đi lính hay buộc phải tham gia các hoạt động phạm pháp.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm nay, tình hình tội phạm mua bán người có những diễn biến phức tạp, gia tăng so với cùng kỳ năm 2023. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân; mua bán trẻ em 48 vụ với 121 nạn nhân.

Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người- Ảnh 3.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh Lào Cai giải thích, hướng dẫn phụ nữ dân tộc thiểu số nhận biết về biện pháp phòng chống tội phạm mua bán người. Ảnh: PVH

Ban tổ chức cho biết, sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang mang lại nhiều tiện ích nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng, trong đó có trẻ em trên môi trường không gian mạng. Các nền tảng trực tuyến khiến trẻ em có nguy cơ trở thành đối tượng bị bóc lột tình dục và bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời cho phép những kẻ mua bán người bóc lột nạn nhân ở phạm vi xuyên biên giới.

Đặc biệt, tội phạm mua bán người tiếp tục triệt để lợi dụng nền tảng mạng xã hội, kết nối, tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi, tiếp cận nạn nhân qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Wechat…) để dụ dỗ, lừa gạt, hứa hẹn "việc nhẹ lương cao", sau đó bán nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, bán dâm hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn. Các đối tượng lập hội, nhóm kín "cho và nhận con nuôi" trên mạng xã hội, tìm kiếm những phụ nữ có thai gặp khó khăn khi sinh và nuôi con để xin hoặc mua lại những bé mới sinh, chuẩn bị sinh. Sau đó, các đối tượng đem bán cho người khác, với danh nghĩa cho nhận con nuôi để hưởng lợi, kèm theo các dịch vụ làm các giấy tờ giả nhằm hợp thức nguồn gốc của trẻ. Bên cạnh đó, tội phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, du lịch, thăm thân... để lừa bán phụ nữ, trẻ em.

Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người- Ảnh 4.

Một tiểu phẩm truyền thông nâng cao nhận thức phòng chống mua bán người. Ảnh: PVH

Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) tại tỉnh Lào Cai, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai triển khai một số hoạt động, cụ thể:

- Chiều 27/7/2024, Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam trao gói hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân mua bán người trở về tại Thành phố Lào Cai

- Sáng 28/7/2024, tổ chức truyền thông phòng, chống mua bán người tại phiên chợ Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Trong đó, truyền thông phiên chợ với hình thức sân khấu hóa nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về phương thức, thủ đoạn, hành vi của tội phạm mua bán người và các kỹ năng ứng phó cho hội viên phụ nữ và người dân cộng đồng.

- Sáng 29/7/2024, Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam thăm Nhà Nhân ái tại Thành phố Lào Cai và tặng quà cho 05 nạn nhân mua bán người trở về địa phương.

-Sáng ngày 30/7/2024, tổ chức hoạt động hưởng ứng ngoài trời "Chạy cổ động" tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai với sự tham gia của 500 đại biểu đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, thanh niên, hội viên phụ nữ, học sinh và người dân cộng đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn