Không xe, không nhà coi chừng... ế vợ

22:26 | 25/07/2018;
Tại Trung Quốc, đến năm 2020, số nam thanh niên nhiều hơn nữ sẽ lên tới hơn 30 triệu người. Đây sẽ là một “bài toán nhân khẩu” khó khăn và có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của xã hội.
Khi Liu trở về ngôi làng thời thơ ấu của mình để thăm gia đình, cha mẹ anh đã sắp xếp một nhiệm vụ quen thuộc và buồn chán, đó là đưa đi xem mặt vợ tương lai. Trong hơn một tuần trở lại ở tỉnh Giang Tây, Liu gặp nửa tá người vợ tiềm năng trong các cuộc gặp gỡ mà anh cảm thấy giống như các cuộc phỏng vấn việc làm, không có nhiều hy vọng thành công.
 
Đối với Jin, người làm việc cùng Liu trong nhà máy ở thành phố, cũng chia sẻ: “Tôi từng đến một trung tâm mai mối và được giới thiệu với một cô gái. Sau vài phút chuyện trò, cô gái này nói rõ rằng việc sở hữu một căn hộ là rất cần thiết, đồng thời cô ấy cũng đòi hỏi tôi phải có một chiếc xe hơi. Và cô nêu ra rằng, sẽ ổn hơn nếu căn hộ ở trung tâm của thị trấn. Với mức lương công nhân của mình, tôi khó có thể đáp ứng được các yêu cầu của cô ấy”.
8.jpg
Ảnh minh họa

 

Liu và Jin đổ lỗi cho sự thiếu thành công trong việc hẹn hò của họ bởi địa vị xã hội thấp, họ chỉ là lao động nhập cư từ các tỉnh nông thôn. Chính quyền tiểu bang cho biết có khoảng 278 triệu công nhân khác như họ, là xương sống của các ngành công nghiệp sản xuất, xây dựng và dịch vụ trên khắp đất nước.
 
Xấu hổ nếu con không tìm được vợ
Liu, 33 tuổi, vẫn độc thân. Khi còn nhỏ, anh bỏ học để giúp cha mẹ làm nông nghiệp, sau đó theo bạn đến Thâm Quyến với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn. Hiện anh làm việc 12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần với công việc lắp ráp iPhone tại một trong những nhà máy Foxconn cũng là nơi Jin đang làm việc.
 
Số giờ lao động trong ngày nhiều và mức lương thấp làm các cuộc hẹn hò của họ trở nên khó khăn hơn. “Không phải vì tôi là một người nhút nhát. Tôi chỉ không có đủ tiền để cảm thấy tự tin. Khi một người đàn ông có tiền, mọi người phụ nữ đều muốn là bạn gái của anh ấy”, Liu chia sẻ.
 
Khi Liu không còn lo lắng về sự cô đơn của chính mình, anh lại cảm thấy có lỗi khi để cha mẹ mình phải bận tâm. Anh nói: “Họ đã hy sinh rất nhiều để nuôi dạy tôi và tất cả những gì họ muốn là tôi kết hôn. Nhưng tôi không thể đáp ứng mong muốn của bố mẹ được. Họ cố gắng không đặt quá nhiều áp lực lên tôi, nhưng tôi biết họ chịu nhiều áp lực từ hàng xóm và người thân. Tôi là con trai duy nhất của họ”.
 
Truyền thống nối dòng dõi gia đình mạnh mẽ ở Trung Quốc đã khiến nhiều bậc cha mẹ nông thôn coi đó là một thất bại khủng khiếp nếu con trai của họ không tìm được một người vợ.
 
Không muốn nghe điện thoại của bố mẹ
Theo các số liệu khác nhau, Trung Quốc được xếp là một trong những xã hội bất bình đẳng nhất trên thế giới. Một nguyên nhân của sự bất bình đẳng này là hệ thống đăng ký hộ khẩu. Từ những năm 1950, hộ khẩu đã phân chia dân số thành đô thị và nông thôn, cho phép giới tinh hoa thống trị của Trung Quốc kiểm soát cuộc sống của dân số nông thôn rộng lớn trong một nền kinh tế được hoạch định kỹ càng.
 
Ngày nay, phần lớn đời sống kinh tế của Trung Quốc đã được thay đổi, nhưng những yếu tố then chốt của hộ khẩu vẫn còn. Điều này có nghĩa là người di cư nông thôn đã sống và làm việc ở thành phố trong nhiều năm, đóng góp to lớn cho sự thịnh vượng của các thành phố nhưng vẫn không có quyền tiếp cận việc làm, nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe như người dân thành thị chính thức.
 
Khoảng 2/3 lao động di cư ở độ tuổi dưới 35, như Liu và Jin ở Thâm Quyến, đều rời bỏ làng quê do sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc. Nhưng để có được một ngôi nhà hay chiếc xe hơi ở các thành phố lớn vẫn rất khó. Trong khi đây là điều kiện tiên quyết để kết hôn ở thành phố.
 
Ngay cả những công nhân trẻ cũng cảm thấy áp lực. “Lý do duy nhất cha mẹ tôi gọi điện thoại cho tôi là làm thế nào để tôi nhanh tìm được bạn gái. Chính vì thế, tôi không còn muốn trả lời bố mẹ nữa”, Giang một công nhân 22 tuổi của Foxconn từ tỉnh Tứ Xuyên, chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn