Khoảng hơn 10 năm trước, Thỏi Láo được xem là "vũng trũng" của xã Phú Vinh, với tỷ lệ hộ nghèo gần 80%, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Vài năm trở lại đây, Thỏi Láo đã "thay da đổi thịt" khi kinh tế được cải thiện, đời sống người dân được nâng lên.
Chứng kiến sự thay đổi của Thỏi Láo như ngày hôm nay, ít ai biết rằng nơi đây từng bị thiên tai nhiều lần tàn phá, trong đó có 2 trận lũ lụt lịch sử xảy ra vào các năm 2007 và 2010.
"Đó là 2 trận lũ lụt lịch sử gây ra bao thiệt hại về tài sản của người dân. Bởi vậy nên dù thời điểm hiện tại, kinh tế đã phát triển nhưng người dân Thỏi Láo vẫn nơm nớp lo mỗi khi mùa mưa bão đến", bà Bùi Thị Hương (SN 1962), một người dân thôn Thỏi Láo, chia sẻ.
Sau 2 trận lũ lịch sử, điều mong mỏi nhất của những người dân sinh sống ở thôn Thỏi Láo đó là được di dân đến một nơi ở mới an toàn để ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.
Mong mỏi ấy của người dân tưởng chừng sẽ thành hiện thực khi "Dự án ổn định dân cư vùng bị thiên tai thôn Thỏi Láo" được quyết định đầu tư vào tháng 2/2011, với tổng mức đầu tư hơn 14,9 tỉ đồng. Các hạng mục thuộc dự án gồm: 1 tuyến đường giao thông liên xóm, 1 công trình nước sạch, mặt bằng xây dựng khu dân cư rộng 3ha và một số công trình phụ trợ.
Tuy nhiên, do việc thi công ì ạch, hoạt động làm mặt bằng khu tái định cư diễn ra trong một thời gian dài sau đó khiến người dân chẳng còn mặn mà chuyển đến nơi ở mới.
"Người dân sau lũ cần có nơi cư trú để tái thiết cuộc sống, trong khi đó, dự án triển khai quá lâu. Đến cuối năm 2022, sau hơn 10 năm nhưng nhiều hạng mục công trình vẫn còn dang dở, chưa được đồng bộ hóa, điện và nước chưa được cung cấp nên người dân lo lắng", một hộ dân thôn Thỏi Láo được vận động tới khu tái định cư mới cho biết.
Cũng theo người này, vì lý do đó nên thay vì đến nơi ở mới để "làm lại từ đầu", nhiều người dân tại thôn chấp nhận đầu tư tiền tôn cao nền, xây dựng nhà cao tầng để an tâm sinh sống nếu như có lũ về.
Đó cũng là lý do khiến hiện tại, dù cơ sở hạ tầng đã được đồng bộ, xây dựng xong nhưng vị trí xây dựng khu tái định cư rộng 3ha chỉ có một vài hộ dân đến sinh sống.
"Trong thời gian chờ khu tái định cư được xây dựng xong thì người dân chúng tôi đã xây lại nhà, sinh sống ổn định. Giờ mà bỏ nhà mới xây dựng đi để đến khu tái định cư xây lại nhà thì không hợp lý", một người dân thôn Thỏi Láo cho biết.
Còn với gia đình bà Hương, dù căn nhà sàn theo năm tháng đã ọp ẹp, bản thân bà cũng muốn lên khu tái định cư mới để sinh sống nhưng khó khăn lớn nhất đối với gia đình bà là vấn đề kinh phí để xây dựng nhà.
Gia đình bà Hương đã làm một lán nhỏ tại vị trí khu đất tái định cư được cấp để "mỗi khi có mưa bão, gia đình tôi sẽ lên đó trú ngụ, hết mưa lại trở về nhà cũ để sinh sống". Một vấn đề khác khiến gia đình bà Hương chưa thể yên tâm chuyển đến khu tái định cư chính là việc không có đất để canh tác, trồng trọt.
Trao đổi với phóng viên Báo PNVN, ông Đinh Công Thành, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh, cho biết, khu tái định cư được đầu tư với mục tiêu ban đầu là di chuyển 45 hộ dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai nhưng hiện tại chỉ có 7 hộ dân đến đây dựng nhà và sinh sống dù khu tái định cư nằm ở vị trí cao ráo, an toàn và cơ sở vật chất đã được đầu tư đồng bộ, khang trang.
"Một số hộ dân lựa chọn giải pháp dựng nhà tạm, lán nhỏ tại phần đất gia đình được cấp để khi có thiên tai, mưa bão sẽ lên đây tránh trú. Hiện chính quyền địa phương đang tiếp tục có những giải pháp vận động bà con đến nơi ở mới để phù hợp với chủ chương cũng như đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân khi có mưa bão", ông Thành cho biết.
Lý giải về nguyên nhân khu tái định cư "ế" dân, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho rằng nguyên nhân về kinh phí xây dựng nhà ở là vấn đề chính, khi thu nhập của người dân tại thôn Thỏi Láo chủ yếu đến từ nông nghiệp. Bên cạnh đó là tâm lý đợi "được tuổi" mới quyết định xây nhà của một số hộ dân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn