Khu vực có nhiều binh lính trẻ em nhất thế giới

18:00 | 01/12/2021;
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Trung và Tây Phi hiện là khu vực có số lượng binh lính trẻ em cao nhất thế giới, đồng thời khu vực này cũng có nhiều nạn nhân bạo lực tình dục tuổi vị thành niên nhất.
57 triệu trẻ trong khu vực cần hỗ trợ nhân đạo

Từ năm 2005, Liên hợp quốc (LHQ) đã xây dựng một hệ thống giám sát và báo cáo về các vụ vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em như tuyển dụng cho các lực lượng vũ trang, bắt cóc, hãm hiếp, tấn công các trường học và bệnh viện. Cứ 4 vụ vi phạm xảy ra trên toàn cầu thì có 1 vụ ở Trung và Tây Phi. Tại các quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi xung đột như Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi, Cameroon, Chad, Congo, Mali, Mauritania và Niger... bạo lực đã gây ra những hậu quả tàn khốc về khủng hoảng nhân đạo đối với trẻ em và cộng đồng. Đại dịch đã làm tình hình trầm trọng thêm về vấn đề này.

"Trẻ em có liên quan đến các nhóm vũ trang thường trở thành nạn nhân của những hành vi "bạo lực ở mức độ không thể chịu đựng được". Các em thường phải gánh chịu các hành vi vi phạm như bắt cóc, bạo lực tình dục và xâm hại thể xác trước hoặc sau khi được tuyển dụng vào các lực lượng này", bà Virginia Gamba - Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Trẻ em và xung đột vũ trang - chia sẻ với hãng tin AP.

Khu vực có nhiều binh lính trẻ em nhất thế giới - Ảnh 1.

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Trung và Tây Phi hiện đang là khu vực có số lượng binh lính trẻ em cao nhất thế giới

LHQ kêu gọi các bên tham gia xung đột ngăn chặn và chấm dứt các hành vi vi phạm đối với trẻ em và các hung thủ phải chịu trách nhiệm. LHQ đề nghị các nhóm viện trợ tăng cường đóng góp, nhằm phục vụ cho việc thu thập tài liệu liên quan các hành vi vi phạm, cũng như thực thi giải pháp ngăn chặn và ứng phó với các hành vi này. UNICEF cho biết quỹ này cần hơn 92 triệu USD để bảo vệ trẻ em trong các trường hợp khẩn cấp ở toàn khu vực Trung và Tây Phi nhưng hiện chỉ mới nhận được một nửa số này từ các nguồn tài trợ.

Theo UNICEF, hơn 21.000 trẻ em đã được các lực lượng chính phủ và các nhóm vũ trang tuyển mộ. Ngoài ra, hơn 2.200 trẻ ở Trung và Tây Phi đã được xác minh là nạn nhân bạo lực tình dục trong 5 năm qua. Khu vực này cũng ghi nhận khoảng 3.500 trẻ bị bắt cóc, trở thành khu vực có số vụ bắt cóc cao thứ 2 trên thế giới, trong khi đã có ít nhất 1.500 vụ tấn công vào trường học và bệnh viện. Tính chung, UNICEF cho biết, hơn 57 triệu trẻ trong khu vực đang cần hỗ trợ nhân đạo, và con số này đã tăng gấp đôi so với năm 2020 do hậu quả của xung đột và đại dịch COVID-19. "Cho dù là mục tiêu trực tiếp hay trở thành con tin của các vụ bắt cóc, trẻ em ở Trung và Tây Phi cũng đều đang bị kẹt trong các vụ xung đột, đối mặt với bạo lực và sự bất an. Các bên tham gia xung đột vi phạm nghiêm trọng quyền của các em, và đó là điều không thể chấp nhận được. Tình trạng này tác động tiêu cực đến khả năng học tập, làm việc, xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa và đóng góp vào sự phát triển cộng đồng và quốc gia của các em" - ông Marie-Pierre Poirier, Giám đốc UNICEF khu vực Trung và Tây Phi - nhấn mạnh.

Giúp các binh lính trẻ em tái hoà nhập cộng đồng

Một số cựu binh lính trẻ em của Congo đã trở thành thợ làm tóc, thợ may... nhưng nhiều người phải vật lộn để giành lại cuộc sống bình thường trong một xã hội đang phải đối mặt với nạn thất nghiệp và nghèo đói. Ông Clement Kahindo - Người giám sát một nơi trú ẩn tạm thời ở Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu và làm việc tổ chức phi chính phủ Cajed chuyên hỗ trợ trẻ em kém may mắn - cho biết, hiện có khoảng 40 trẻ em từ 10 đến 17 tuổi gần đây thoát khỏi các nhóm vũ trang. Các em được dạy cách cư xử đúng mực, đọc, viết, học nghề... Tại tổ chức Cajed ở Goma, các em 14 đến 17 tuổi tràn đầy hy vọng, chuẩn bị đoàn tụ với gia đình và mỗi người đều có một "bộ dụng cụ tái hòa nhập" bao gồm các đồ nghề làm việc để kiếm thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.

Khu vực có nhiều binh lính trẻ em nhất thế giới - Ảnh 2.

Các em trở về cuộc sống bình thường và làm nông

Ông Kahindo cho biết nhiều cựu chiến binh nhí đã bị ám ảnh bởi sự khủng khiếp mà các em đã chứng kiến ở một vùng của đất nước đã bị tàn phá bởi bạo lực trong suốt hơn 25 năm. "Các em đã chứng kiến những vụ giết người, sau đó một số các em bị buộc phải ra tay. Những đứa trẻ nhỏ tuổi nhất được sử dụng để do thám, nấu ăn, lấy nước và củi. 2, 3 năm sau, các em sẽ được cử ra mặt trận", ông Kahindo nói.

Trong những năm 1990, rất nhiều binh lính trẻ em được gọi là "kadogos" trong đội quân nổi dậy của Laurent Kabila, người đã lật đổ Tổng thống Mobutu Sese Seko năm 1997. Theo UNICEF, có khoảng 3.000 đến 5.000 trẻ em trở thành chiến binh mỗi năm, trong đó từ 5 đến 10% là trẻ em gái. Một số trẻ em có thể bị bắt cóc bằng vũ lực nhưng những đứa trẻ khác tham gia một cách tự nguyện để thoát khỏi cảnh nghèo đói, trả thù...

2.253 trẻ em đã được giải cứu ra khỏi các nhóm vũ trang năm 2018, năm 2019 là 3.107 em, năm 2020 là 2.101 em và 957 em trong 9 tháng đầu năm 2021. Một số được phục hồi sau khi Monusco tiếp cận trực tiếp với các chỉ huy của các nhóm vũ trang, những người khác chạy trốn hoặc được thả trong các chiến dịch quân đội chống lại các nhóm nổi dậy.

Papy Miruho ở Bukavu, thủ phủ Nam Kivu đã tham gia một nhóm vũ trang. Em chia sẻ: "Cha tôi đã bị giết và mẹ tôi đã phát điên. Vì thế, tôi chẳng có cách nào khác là trở thành chiến binh để sinh tồn". Miruho đã được Văn phòng Công tác Tình nguyện Phục vụ Trẻ em và Sức khỏe (BVES), một tổ chức phi chính phủ, giải thoát và đưa đi học. Hiện Miruhođi bán bột mì ở Panzi, ngoại ô Bukavu để kiếm sống qua ngày.

Năm 13 tuổi, Christian Mulindwa đang đi học về thì bị một nhóm vũ trang bắt cóc. 2 năm sau, anh ta trốn được và được BVES giải cứu. Năm 2010, anh và hai thanh niên khác thành lập một hiệp hội hỗ trợ và sử dụng hầu hết là các cựu quân nhân nhí. Công việc bao gồm làm tóc và sửa máy tính. "Chúng tôi không có chỗ đứng trong cộng đồng. Chúng tôi đã hợp lực để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và hoà nhập vào xã hội, để tránh tái gia nhập làm chiến binh", anh Mulindwa kể.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn