Khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ: Tăng gắn kết với tổ chức Hội thông qua mô hình kinh tế tập thể

11:25 | 23/10/2024;
Không chỉ là môi trường nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý còn góp phần tăng gắn kết giữa hội viên, phụ nữ với tổ chức Hội LHPN Việt Nam.
Tạo môi trường để phụ nữ thêm gắn bó với Hội

Thực hiện Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (Đề án 01), Hội LHPN tỉnh Kon Tum đưa chỉ tiêu thành lập, phát triển kinh tế tập thể và hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo bền vững thành tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm trong các cấp Hội trên địa bàn tỉnh. 

Thông qua tuyên truyền, tập huấn, có trên 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp được nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã để sản xuất kinh doanh; trên 80% hội viên, phụ nữ được nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, việc làm, khởi nghiệp.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum Y Phương cho biết: thực hiện Đề án 01, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cấp Hội thành lập, duy trì hoạt động của 7 hợp tác xã (HTX) với 119 thành viên, thành lập 37 tổ liên kết, tổ hợp tác, nâng tổng số mô hình kinh tế tập thể do các cấp Hội thành lập đến nay là 175, với hơn 2.500 thành viên, trong đó có hơn 80% thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS). 

Thông qua việc thành lập các mô hình phát triển kinh tế cùng với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, hàng năm, các cấp Hội giúp hơn 500 phụ nữ thoát nghèo bền vững; nhiều dự án, ý tưởng khởi nghiệp của HTX, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý đạt giải cao trong các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do các cấp Hội tổ chức; nhiều HTX, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý được duy trì, hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều lao động nữ. Từ đó, hội viên càng thêm gắn bó với tổ chức Hội.

Thay đổi tư duy kinh tế của hội viên

Điều dễ nhận thấy khi tham gia các HTX, tổ hợp tác, chị em không chỉ có thu nhập mà còn được tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực do Hội tổ chức, liên kết tổ chức.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ: Tăng gắn kết với tổ chức Hội thông qua mô hình kinh tế tập thể- Ảnh 1.

Chị Mai Thị Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Hương Thanh (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Bình Định), kiểm tra sản phẩm tại cửa hàng bày bán và giới thiệu sản phẩm của HTX

Tại Đắk Lắk, các cấp Hội đã lồng ghép các chương trình, nguồn lực để thực hiện Đề án 01 như: tập huấn, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng công nghệ 4.0 cho hơn 80 thành viên phụ nữ thuộc các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, HTX có phụ nữ tham gia quản lý tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Ea Súp; phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho 150 cán bộ, hội viên phụ nữ tại 2 huyện Lắk và Krông Ana... Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế đã ra đời, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy phát triển kinh tế của chị em DTTS.

Nói về điều này, bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk, khẳng định: Khi tham gia các mô hình kinh tế tập thể do Hội hỗ trợ thành lập, chị em cũng tích cực tham gia các hoạt động do Hội tổ thức. Qua đó, vị thế và vai trò của tổ chức Hội ngày càng được nâng lên.

Chủ động tìm đến Hội để được nâng cao kiến thức kinh doanh

Chị Mai Thị Hương, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh hải sản Hương Thanh, cho biết, trước đây, chị chỉ là một người buôn bán nhỏ, kiếm kế sinh nhai tại vùng biển Bình Định. 

Qua các chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX do phụ nữ tham gia quản lý điều hành của Hội LHPN các cấp, chị đã biết và đến với Hội LHPN TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và nhận được sự giúp đỡ, động viên, hỗ trợ của Hội. 

Từ mô hình tổ liên kết sản xuất nước mắm, chị cùng các thành viên đã phát triển thành HTX kinh doanh hải sản như hôm nay và là những hội viên tích cực tham gia các hoạt động Hội.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhã, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định, cho biết, nếu như trước đây, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN tỉnh chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tín dụng thì hiện nay, với yêu cầu của Đề án 01, việc hỗ trợ phải đồng bộ từ trang bị kiến thức, kỹ năng, kết nối tiếp cận tín dụng, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu... 

Thông qua các lớp tập huấn cho các thành viên HTX, tổ hợp tác, tổ/nhóm sinh kế ở các huyện: Hoài Ân, An Lão, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh… chị em đã có thêm kiến thức về quy trình triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, nhận diện và phân loại tổ/nhóm/HTX phù hợp ứng dụng khoa học công nghệ… qua đó tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất, kinh doanh của chị em.

Với những lợi ích đó, nhiều chị em đã vượt qua tâm lý tự ti, an phận, chủ động tìm đến tổ chức Hội để được nâng cao kiến thức về kinh doanh, biết thích ứng với quy luật kinh tế thị trường, vươn lên phát triển kinh tế. Đây cũng chính là một trong những yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Hội trong tình hình mới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn