“Khúc ruột” miền Trung

09:58 | 16/10/2020;
Chẳng biết những tháng còn lại của năm 2020 có còn điều gì bất lợi diễn ra không, nhưng từ đầu năm đến nay, chúng ta gặp quá nhiều bất trắc - dịch bệnh kéo dài. Hết dịch bệnh là bão.

Cơn bão số 5 chưa phải là cơn bão có cường độ lớn nhất nhưng có sức tàn phá nặng nề cho Thừa Thiên - Huế. Tiếp theo bão là lũ lụt. Khi tôi viết bài này thì lũ lụt vẫn còn diễn ra. Đúng là “họa vô đơn chí”. Tính đến 16h, ngày 14/10, mưa lũ đã khiến 9 người chết, 8 người bị thương. Tình hình còn “nước sôi lửa bỏng” hơn khi đoàn cứu hộ Thủy điện Rào Trăng 3 gặp sự cố. 13 người trong đoàn đi cứu hộ đã thiệt mạng.

Không riêng gì Thừa Thiên - Huế, “khúc ruột” miền Trung là nơi đón nhận nhiều sự cố thiên tai hơn nơi nào hết. Sự cố gắng để đạt những thành tựu của Thừa Thiên Huế, của miền Trung thường bị thiên tai cướp mất một phần, không nhiều thì ít, chẳng năm nào không có. Năm nay lại nhiều hơn.

Ở mặt tích cực, chính sự bất trắc của thiên nhiên, sự bất lợi về điều kiện địa lý, dường như khiến người Thừa Thiên - Huế và miền Trung càng trở nên can trường. Người miền Trung những lúc khó khăn nhất đã tỏa đi khắp nơi trên đất nước hình chữ S này và phần lớn là thành đạt trong cuộc sống. Thành đạt ở đây xin không đánh giá điều gì to tát mà là kinh tế - cuộc sống vật chất tốt hơn, khá hơn, giàu hơn và không ít người thành danh.

Có vẻ như hơn ai hết, người miền Trung là người biết cách “sống chung với lũ”. Đơn giản là bị thiên tai lũ lụt nhiều quá, qua thời gian đã làm cho người ta biết thích ứng. Chịu thương chịu khó. Làm ra ba đồng thì dành một đồng cho việc xây nhà xây cửa chắc chắn, kiên cố. Nay đời sống kinh tế khá hơn thì hướng đến sự khang trang. Và suy cho cùng, không biết “sống chung với lũ” cũng không được, nó giống như người vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với mùa nước nổi vậy.

“Khúc ruột” miền Trung - Ảnh 1.

Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế tăng cường nhân lực để vệ sinh sau lũ. Ảnh: Bảo Châu

Thể hiện sống chung với lũ rõ nhất có lẽ là người nông dân, người sống vùng nông thôn. Ở đâu làm lúa ba vụ không biết nhưng ở Thừa Thiên - Huế chỉ làm hai vụ đông xuân và hè thu. Vụ ba cách đây nhiều năm cũng có làm thử nghiệm một số nơi nhưng rồi bỏ. Không làm vụ ba, âu cũng là để cho đất nghỉ, người nghỉ.

Người dân đầm phá làm ô đầm thì thả giống sau Tết. Chăm bẵm chăm sóc và thu hoạch hết vào tháng bảy tháng tám Âm lịch, trước khi con nước bạc về tràn đồng tràn sá. Khó mà người dân đầm phá mất một con tôm, con cá, con cua do lũ lụt!

Sống một nơi chịu nhiều thiên tai mất mát nên người Thừa Thiên - Huế, người miền Trung nhận được nhiều sự chia sẻ của cả nước và cả nước ngoài. Ngược lại, người miền Trung cũng rất biết san sẻ với những khó khăn do thiên tai hoạn nạn ở nhiều nơi khác, vậy là nó sinh ra cái tình cái nghĩa; nhường cơm sẻ áo… Cũng là đặc tính của người miền Trung!

Gần đây có một dòng vốn trong và ngoài nước đầu tư lớn vào miền Trung, vào Thừa Thiên - Huế thì có một dòng “chảy ngược” của lao động về miền Trung, mà thường là về lại cố hương. Những nguồn lực này đã làm cho kinh tế miền Trung sáng hơn lên và người dân có thêm nguồn sức mạnh để chống chọi với những bất lợi của thiên nhiên.

Quay lại vấn đề sự cố Rào Trăng 3, dù là gì, ở đâu, bất cứ người nào, những sự cố về cái sống cái chết, đều làm con người ta đau xót...

Ai đó đã nói, triết học hay tôn giáo, hay là bất cứ ai - Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người ta chạy theo những giá trị của cái đẹp, cái tốt, cái mà cộng đồng, xã hội, nói rộng ra là của Nhân dân cần.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn