Đối với trẻ em, giấc ngủ cũng có tầm quan trọng như thức ăn và nước uống hàng ngày. Một giấc ngủ sâu là điều rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Ngược lại ngủ không ngon giấc hoặc bị thiếu ngủ sẽ khiến trẻ cáu gắt, quấy khóc, không tập trung, mệt mỏi. Nếu thường xuyên ở trong tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Khi ngủ, cơ thể tiết ra lượng hormone tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức. Theo quy luật là lúc chúng ta đi vào giấc ngủ hormone tăng trưởng mới sản sinh ra, sau 1 tiếng lượng hormone sẽ đạt đỉnh, thường là từ 22 giờ cho tới 1 giờ. Do vậy, nếu trẻ không ngủ đúng giờ sẽ bỏ lỡ quãng thời gian hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất và gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của trẻ.
Ngủ là thời điểm não bộ nạp lại năng lượng. Do vậy, một giấc ngủ sâu sẽ giúp tăng cường trí nhớ, độ tập trung và khả năng học tập của trẻ. Một nghiên cứu trên 11,000 trẻ em xuất bản trên tạp chí Journal of Epidemiol Community Health đã chứng minh những trẻ không được ngủ đúng giờ cho tới khoảng năm 3 tuổi sẽ gặp phải những vấn đề liên quan đến khả năng nhận thức, khả năng đọc và kỹ năng toán học. Do vậy, các nhà khoa học kết luận rằng 3 năm đầu đời là thời điểm trẻ đặc biệt nhạy cảm với giấc ngủ và có một mối liên hệ khăng khít giữa giấc ngủ đối với sự phát triển não bộ của trẻ.
Bởi vì giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ em có liên quan mật thiết với thời gian ngủ đủ của các bé, vì vậy, cần phải xác định được con bạn nên ngủ bao nhiêu giờ/ngày. Dưới đây là bảng thời gian ngủ đủ cho trẻ em theo từng độ tuổi mà bạn nên tham khảo:
Độ tuổi | Thời gian đi ngủ |
---|---|
Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi | 15-18 giờ |
Trẻ từ 1-8 tháng tuổi | 14-15 giờ |
Trẻ từ 8-10 tháng tuổi | 12-15 giờ |
Trẻ từ 10 tháng tuổi - 3 tuổi | 12-14 giờ |
Trẻ từ 3-6 tuổi | 11-13 giờ |
Trẻ từ 7-12 tuổi | 10-11 giờ |
Cụ thể:
- Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi: Đối với trẻ sơ sinh, các bé chưa có giờ đi ngủ lý tưởng. Lý do là vì trẻ chưa có bất kỳ nhịp sinh học nào và các bé thường ngủ chập chờn với mỗi giấc kéo dài từ 2 – 4 giờ cả ngày lẫn đêm.
- Trẻ từ 1 - 4 tháng: Giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ em trong độ tuổi này là từ 20 - 23h. Những bé trong độ tuổi này vẫn đang phát triển và bú đêm.
- Trẻ từ 4 - 8 tháng: Giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ em trong độ tuổi này là khoảng 19h30. Việc ngủ trưa thường xuyên và đi ngủ sớm hơn giúp các bé có được giấc ngủ cần thiết để phát triển thể chất và tinh thần đáng kể.
- Trẻ từ 8 - 10 tháng: Giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ em trong độ tuổi này là từ 17h30 – 19h. Trẻ ở độ tuổi này có thể chỉ ngủ ngắn 2 giấc (vào khoảng 9 giờ sáng, 1 giờ chiều). Giờ đi ngủ đêm không kéo dài hơn 3,5 giờ sau khi giấc ngủ ngắn thứ 2 kết thúc. Giờ đi ngủ đêm có thể sớm hơn để bù đắp cho việc thiếu giấc ngủ trưa thứ 3.
- Trẻ từ 10 - 15 tháng: 19h30 là giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ em trong độ tuổi này. Các bé tuổi này có thể chuyển sang chỉ ngủ trưa 1 giấc vào buổi chiều, vì vậy giờ đi ngủ có thể cần sớm hơn một chút. Giờ đi ngủ đêm không muộn hơn 4 giờ kể từ lúc thức dậy sau giấc ngủ ngắn.
- Trẻ từ 15 tháng - 3 tuổi: 19h30 cũng là giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ em trong độ tuổi này. Việc ngủ các giấc ngủ ngắn có thể kết thúc ở độ tuổi này hoặc diễn ra không nhất quán. Giờ đi ngủ sớm hơn vào ban đêm sẽ giúp điều chỉnh cơ thể bé để không ngủ trưa.
- Trẻ từ 3 - 6 tuổi: Giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ em trong độ tuổi này là từ 20h. Con bạn có thể sẽ bỏ ngủ trưa. Khi con bạn không còn ngủ trưa nữa, trẻ sẽ cần ngủ thêm một giờ vào ban đêm, vì vậy hãy điều chỉnh giờ đi ngủ của trẻ sao cho phù hợp.
- Trẻ từ 7 - 12 tuổi: Giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ em trong độ tuổi này là từ 19h30 – 21h. Trẻ em trong độ tuổi đi học vẫn đang trong giai đoạn phát triển vượt bậc, rất hiếu động và cần ngủ nhiều. Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp cải thiện hiệu suất học tập, hành vi, sự chú ý, khả năng ghi nhớ...
NÊN:
- Tắt đèn ru con ngủ: Bóng tối giúp cơ thể giải phóng hormone melatonin gây buồn ngủ, nhờ vậy trẻ sẽ có giấc ngủ sâu, kéo dài. Nếu ánh sáng đèn quá lớn sẽ kìm chế sự sản sinh melatonin. Để đèn ngủ quá sáng thường xuyên sẽ gây rối loạn nhịp sinh học, ức chế hoạt động tế bào khiến bé hay trở mình, chậm phát triển. Cách tốt nhất là nên tắt đèn khi trẻ ngủ hoặc để đèn mờ ở xa bé.
- Tuân theo nhịp thức - ngủ của trẻ: Trẻ sơ sinh ngủ trung bình mỗi ngày tới 16-17 giờ và chia thành những chu kỳ "thức-ngủ" cứ 3 tiếng một, không kể ngày đêm. Chính vì nhịp thức ngủ này nên bạn đừng lo con đói mà bắt bé bú khi chưa tỉnh dậy. Không để con bú ngày quá nhiều hoặc chơi quá giờ đi ngủ, sẽ gây ra chứng khó ngủ ở trẻ.
KHÔNG NÊN:
- Nói chuyện khi bé thức giữa giấc: Nhiều cha mẹ giật mình khi vô tình nhìn sang thấy con mở mắt tròn xoe rồi họ nựng nịu, nói chuyện, vỗ về nghĩ là con sẽ ngủ tiếp. Nhưng chính điều này khiến bé bị đánh thức mạnh hơn, tỉnh táo hơn, bé sẽ "nói chuyện" với bạn và không còn tập trung ngủ. Tình trạng này sẽ lặp lại vào nhiều ngày sau đó dẫn tới thói quen thức giữa giấc.
- Cho ăn quá gần giờ ngủ: Nhiều mẹ sắp tới giờ đi ngủ ay ép con ăn thêm thứ gì đó, hay đánh thức con dậy uống sữa. Ăn thức ăn giàu protein trước khi đi ngủ khiến hệ tiêu hóa phải làm việc nên ngủ không ngon. Đồ uống lợi tiểu khiến bàng quang của trẻ căng tức nhanh hơn nên phải thức giấc. Vì vậy không nên cho trẻ nhỏ bú hoặc ăn quá no, ăn đồ ăn có nhiều nước, lợi tiểu trước khi đi ngủ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn