Khủng hoảng băng vệ sinh ở Mỹ

09:53 | 21/06/2022;
Sau tình trạng thiếu sữa bột trẻ em, băng vệ sinh là sản phẩm mới nhất “biến mất” khỏi các kệ hàng ở Mỹ. Thiếu hụt loại mặt hàng thiết yếu này đã làm trầm trọng thêm áp lực với phụ nữ tại Mỹ trong bối cảnh lạm phát đang gây sức ép lên kinh tế các hộ gia đình.
Vừa hiếm vừa đắt

Một năm qua, giá các sản phẩm chăm sóc phụ nữ ở Mỹ đã tăng 10,8%, theo dữ liệu từ Nielsen IQ. Sản phẩm chăm sóc phụ nữ là một trong hai hạng mục duy nhất thuộc dữ liệu sức khỏe và sắc đẹp của Nielsen tăng 10% trở lên so với một năm trước trong 6 tháng qua. Các sản phẩm làm từ bông có mức tăng giá chóng mặt. Dữ liệu của Nielsen cho thấy bông gòn tăng 8,2% và miếng gạc là 7,8%.

Giá băng vệ sinh cũng tăng vọt và khan hiếm trong bối cảnh lạm phát đạt kỷ lục và nhiều gia đình phải chi trả nhiều tiền hơn cho xăng dầu, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Sự thiếu hụt cũng khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt là các nhóm thu nhập thấp, những người đang phải vật lộn để kiếm sống. Giá băng vệ sinh tăng gần 10% trong năm tính đến cuối tháng 5/2022. Hơn nữa, sự thiếu hụt đã tạo cơ hội cho một số người bán hàng trên Amazon tăng giá. Một hộp gồm 18 miếng băng vệ sinh đã được niêm yết với giá 114 USD, cao hơn khoảng 6 USD/băng vệ sinh so với mức giá thông thường.

Elise Joy, đồng sáng lập của "Girls Helping Girls Period", một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ các sản phẩm kỳ kinh nguyệt cho phụ nữ, cho biết, cô đã nhận thấy dấu hiệu của việc thiếu hụt nguồn hàng từ đầu mùa xuân khi nhiều công ty hỏi liệu tổ chức của cô có thể cung cấp cho họ các sản phẩm cho kỳ kinh nguyệt. Đến tháng 4, Elise Joy nhận vô số cuộc gọi và e-mail từ những tổ chức muốn quyên góp băng vệ sinh. Joy không từ chối bất cứ ai nhưng cũng không chắc có thể hỗ trợ tới đâu khi tổ chức của cô cũng gặp khó khăn để bắt kịp nhu cầu. "Tôi có thể thấy nguồn cung trong kho dần cạn kiệt. Hiện tại chúng tôi vẫn ổn trong một vài tháng nhưng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra vào mùa thu", cô Joy nói.

Khủng hoảng băng vệ sinh ở Mỹ - Ảnh 1.

Băng vệ sinh là sản phẩm mới nhất “biến mất” khỏi các kệ hàng ở Mỹ.

Còn Karyn Leit, Chủ tịch của Interfaith Food Pantry of the Oranges (IFPO), tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ lương thực và các nhu yếu phẩm đến những hộ gia đình thu nhập thấp, cho biết, tổ chức của cô đã phân phát băng vệ sinh đến 600 gia đình 2 lần một tháng song nhiều người vẫn tìm đến IFPO trong những tuần nghỉ. "Có những khách hàng đến gặp tôi trong nước mắt, nói rằng họ đang trong kỳ kinh nguyệt và hỏi liệu tôi có thể làm gì để giúp họ", bà Karyn Leit nói.

Sự thiếu hụt băng vệ sinh khiến một số phụ nữ tức giận khi sản phẩm thiết yếu này quá khó kiếm. Thyme Sullivan, Giám đốc tổ chức TOP The Organic Project, nói rằng giới tính của người điều hành đất nước và ở hầu hết công ty Mỹ có thể giải thích cho tình trạng thiếu băng vệ sinh ở quốc gia này.

Dana Marlowe, người sáng lập "I Support The Girls", tổ chức chuyên cung cấp áo lót và vệ sinh kinh nguyệt cho người vô gia cư, nói rằng những kỳ thị và cấm kỵ hiện có xung quanh vấn đề kinh nguyệt gây khó khăn trong tiến trình hành động để giải quyết vấn đề khan hiếm. Khác với hầu hết mặt hàng khác, băng vệ sinh không phải là thứ mà phụ nữ có thể ngừng sử dụng cho đến khi nguồn cung trở lại. Bà Marlowe đã gặp những phụ nữ không có đủ nguồn lực để săn lùng băng vệ sinh khắp các cửa hàng, nên họ đã dùng các phương pháp không an toàn. "Họ đang sử dụng bìa cứng và băng keo, xé giấy và các vật dụng mất vệ sinh khác", bà nói.

Mặc dù nhiều phụ nữ đã bị ảnh hưởng, không có cách nào để đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề trên toàn nước Mỹ bởi các cửa hàng địa phương không cập nhật thông tin thiếu hụt. Hiện cứ 4 phụ nữ ở Mỹ thì lại có 1 người không thể tiếp cận với các sản phẩm dùng trong kỳ kinh nguyệt. Bà Dana chia sẻ rằng, tổ chức này chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong các lô hàng quyên góp băng vệ sinh. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhóm của bà Marlowe chỉ nhận được 213.075 chiếc băng vệ sinh, bằng một nửa so với cùng thời điểm năm ngoái và ít hơn 61% so với năm 2020.

Gặp khó khăn về chuỗi cung ứng

Patrick Penfield, chuyên gia về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Syracuse (Mỹ), lý giải về tình trạng thiếu băng vệ sinh gần đây ở Mỹ xuất phát từ sự thiếu hụt nguyên liệu thô, gồm bông và sợi nhân tạo. "Đây là năm thứ 3 liên tiếp nhu cầu về bông ở Mỹ vượt quá nguồn cung từ các công ty nội địa trong khi sự cần thiết về khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân sản xuất trong thời kỳ dịch bệnh ngày càng tăng. Đồng thời, nhiều nhà máy sản xuất băng vệ sinh đang phải vật lộn hoạt động hết công suất do thiếu hụt nhân công", ông Penfield nói.

Các nhà sản xuất băng vệ sinh cho biết sự thiếu hụt bắt nguồn từ nhiều yếu tố, như thách thức về nhân sự ở nhà máy, tắc nghẽn vận chuyển và chi phí các nguyên liệu thô gia tăng. CVS, Target và Walgreens xác nhận tình trạng nguồn cung băng vệ sinh hạn chế ở một số cửa hàng. Tập đoàn P&G, hãng sản xuất Tampax, thương hiệu băng vệ sinh phổ biến nhất ở Mỹ, cho biết, họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô cho những sản phẩm chăm sóc phụ nữ. Các nguyên liệu thô sử dụng làm băng vệ sinh - bông, tơ tằm, đôi khi là bột giấy - là một số nguyên liệu cần thiết trong suốt đại dịch bởi chúng được dùng trong các sản phẩm y tế. Khi nhu cầu tăng quá cao, nguồn cung bị thu hẹp lại. Một số vấn đề bắt nguồn từ chi phí bông, vải rayon và nhựa tăng cao.

Ở Mỹ, băng vệ sinh được coi là thiết bị y tế loại 2. Do đó, các quy định về kiểm soát chất lượng khiến các công ty không thể nhanh chóng lấp đầy chỗ trống nhân sự vào dây chuyền lắp ráp. Điều này khiến tốc độ sản xuất bị duy trì ở mức thấp. The Organic Project, công ty khởi nghiệp sản xuất băng vệ sinh ở châu Âu, chi phí đưa băng vệ sinh đến Mỹ đã tăng 300% so với năm ngoái. Trong khi đó, Edgewell Personal Care trải qua tình trạng thiếu nhân viên trầm trọng tại cơ sở Dover ở bang Delaware.

Các cơ quan y tế tại Mỹ khuyến cáo dù đang thiếu hụt, phụ nữ cũng không nên dùng băng vệ sinh lâu hơn thời gian khuyến nghị với yêu cầu thay băng sau 4-8 tiếng do dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng.

Theo Giám đốc Angie Wiseman của tổ chức phi lợi nhuận Dignity Period, với những người đang gặp khó khi mua băng vệ sinh, các chuyên gia khuyến cáo sử dụng cốc nguyệt san hoặc đồ lót dùng riêng cho kỳ kinh nguyệt. Đây được cho là lựa chọn thay thế hợp lý và thân thiện với môi trường. Khi lượng băng vệ sinh dạng ống giảm, nhu cầu về băng vệ sinh hữu cơ, tái sử dụng tăng. Một gói băng vệ sinh tái sử dụng như vậy gồm 4 miếng, có giá 12,5 USD và có thể sử dụng trong 12-18 tháng với điều kiện phải giặt sạch theo hướng dẫn. Trong khi đó, chi phí trung bình dùng băng vệ sinh dạng ống có thể dao động 225-250 USD/năm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn