Khuyến học nhằm tạo đột phá về việc làm cho công nhân, thanh niên

18:34 | 13/09/2018;
Trước sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, dự báo, có 80% lao động ở ngành dệt may, da giày sẽ bị thất nghiệp do máy móc, tự động hóa. Vì vậy, rất cần có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng công nhân nâng cao tay nghề.

Chiều nay 13/9, Bộ LĐ-TB&XH và Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2018 - 2023.

Phát biểu tại buổi lễ, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định: Trước sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động dần bị phá vỡ; việc làm đang dần bị robot, máy móc thay thế. Theo dự báo, có 80% lao động ở ngành dệt may, da giày sẽ bị thất nghiệp do ứng dụng máy móc, tự động hóa vào sản xuất.

kh.jpg
Lễ ký kết

 

Đồng thời, các nước trong khu vực ASEAN được tự do lưu thông, dịch chuyển lao động trong khối, làm tăng sự cạnh tranh về lao động, việc làm và cũng làm tăng nguy cơ thất nghiệp với lực lượng lao động tay nghề thấp.

Nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Chương trình ký kết này giữa 2 bên là hướng “đột phá tạo việc làm cho thanh niên” và giúp các em có kỹ năng, tay nghề tốt hơn; qua đó góp phần thúc đẩy xã hội học tập.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Hiện nay có 11 triệu công nhân. Thực tế đang diễn ra, với những lao động trên 35 tuổi bị thải loại khỏi các khu công nghiệp, khu chế xuất, theo ông Dung, họ có lại việc làm là rất khó khăn khi tay nghề không cao.

Theo quy luật của thị trường lao động, không thể ép buộc doanh nghiệp nhận lao động có tay nghề thấp, không đáp ứng được công việc. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này cần phải có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho lực lượng lao động công nhân.

Theo Chương trình ký kết, 2 bên đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy việc thực hiện quyền giáo dục, học tập của trẻ em; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng cho toàn thể cán bộ, công chức, hội viên và người lao động.

ky-ket-bo-lao-dong-hoi-khuyen-hoc-vn.JPG
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan và Bộ trường LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao hoa chúc mừng thành công lễ ký kết

 

Đồng thời khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, hội viên và người lao động tích cực học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau.

Vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, người lao động tích cực tham gia xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt tiêu chí “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”; tích cực tham gia, hỗ trợ công tác khuyến học, khuyến tài ở cơ sở. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn