Kỉ luật bác sĩ "bôi nhọ" Bộ trưởng Y tế trên facebook là thiếu căn cứ?

20:44 | 20/10/2017;
Luật sư cho rằng Quyết định xử lý kỉ luật của Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) kỉ luật bác sĩ Hoàng Công Truyện do vi phạm các qui định của pháp luật về viên chức là thiếu căn cứ.
Đó là chia sẻ của Luật sư Giáp Văn Điệp, Công ty Luật TNHH Fanci, Đoàn Luật sư Bắc Giang với PNVN về vụ việc bác sĩ Hoàng Công Truyện bị kỷ luật khiển trách và phạt 5 triệu đồng do “khuyên” Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trước đó, trên trang Facebook cá nhân, bác sĩ Hoàng Công Truyện (Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) đăng thông tin “khuyên” bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, nên nghỉ vì Bộ trưởng không biết nỗi khổ của bác sĩ tuyến dưới và yếu kém trong công tác tham mưu vấn đề an ninh ở BV.

Cho rằng nội dung trên bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của Bộ trưởng Tiến, Bộ Y tế gửi công văn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên- Huế xác minh và xử lý.
18034321_760422567458086_5068061833375576034_n.jpg
Luật sư Giáp Văn Điệp

 Nhận được công văn, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế vào cuộc và xác định tài khoản trên là của bác sĩ Hoàng Công Truyện. Sở Y tế yêu cầu bác sĩ Truyện làm bản kiểm điểm, giải trình sự việc. Sau đó, Sở Thông tin truyền thông Thừa Thiên- Huế đã ra quyết định xử lý kỷ luật và phạt hành chính 5 triệu đồng đối với bác sĩ Truyện. Trung tâm y tế huyện Phong Điền cũng kỷ luật bác sĩ Truyện với hình thức khiển trách.

 Tuy nhiên, theo Luật sư Giáp Văn Điệp, trong Quyết định xử phạt số 592/TTYT có nêu lý do bác sĩ Hoàng Công Truyện Vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến viên chức là không có căn cứ.
dsc_0619.jpg
Công văn của Bộ Y tế

 Luật sư Điệp phân tích: Trong Quyết định xử phạt có dẫn Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng quản lý viên chức và Nghị định 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật viên chức nhưng không nói rõ căn cứ vào Điều, Khoản nào mà chỉ nói chung chung. Việc kỷ luật như vậy sẽ làm cho người bị kỷ luật không hiểu mình vi phạm điều gì? Do đó không biết khiếu nại như thế nào.

Theo Điều 34, Bộ luật dân sự 2015 thì mọi thông tin cá nhân của các cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ. Nếu bác sĩ Truyện vi phạm thì vi phạm vào Khoản 1, Điều 5 NĐ 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng  Do đó, việc viện dẫn Nghị định 27/2012/NĐ-CP; Nghị định 29/2012/NĐ-CP là không đúng với hành vi vi phạm của bác sỹ Truyện.
dsc0620-1508414695403.jpg
Quyết định xử phạt bác sĩ Truyện của Trung tâm y tế huyện Phong Điền

Hơn nữa, việc xử phạt thì phải căn cứ trên hậu quả của do lỗi vi phạm gây ra. Với hành vi nói xấu, bôi nhọ trên mạng xã hội phải gây hậu quả mới có căn cứ để giải quyết. Vậy trong trường hợp này, cơ quan chức năng đã xác định được hậu quả hay chưa? Cơ quan chức năng cũng chưa làm rõ, bài viết của bác sĩ đó có động cơ, mục đích gì ? nếu ý kiến đó mang tính xây dựng thì phải tiếp thu. “Tôi cho rằng, ông ấy là bác sĩ, nên có thể xem việc ông ấy góp ý là một ý kiến chứ không thế coi ý kiến trái chiều là hành vi bôi nhọ, xúc phạm được”, Luật sư Điệp nói.

Cũng theo Luật sư Điệp, nếu là một công dân thông thường thì hành vi bôi nhọ, nói xấu mà gây hậu quả thì người bị nói xấu có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi nói xấu, bôi nhọ gây ra và gỡ bỏ bài viết. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Bộ Y tế lại mang quyền lực ra để làm căn cứ xử lý. Như vậy, với văn bản của Bộ Y tế, sau đó là Quyết định xử phạt của cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế có thể hiểu rằng “cấp dưới không được có ý kiến trái với cấp trên”.

           

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn