Kí ức hương khói bếp

16:00 | 22/08/2018;
Sau nhiều năm xa nhà, tôi về quê đun bếp rạ, tôi cho cả nắm to vào lấp kín cửa bếp làm nồi cơm úm khói...
Mẹ tôi hướng dẫn, tôi mới biết đun. Phải đặt nồi cẩn thận và chắc chắn. Cho ít rạ để cửa bếp thoáng mới ít khói. Thế nên bao giờ cũng có sẵn chiếc que tre để cời rơm rạ.
Cái thời cơm tấm, ổ rơm, khói bếp thơm đã trở thành kỷ niệm thân thương của bao người sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Tôi không thể nào quên mỗi chiều tà, làn khói xanh tỏa ra từ các nhà. Những sợi khói mỏng cứ vấn vương, quẩn quanh trên nóc bếp như làn sương sớm mờ ảo, tan vào trong ngọn tre xanh, quấn vào vòm hoa xoan tím bên mái bếp.
 
Mỗi lần đi xa về, bước chân qua cổng làng, lòng ta chộn rộn, ngất ngây trước khung cảnh thanh bình, đáng yêu khi gặp làn khói bếp từ các nhà thấp thoáng sau bờ tre. Những khi lất phất mưa xuân, khói bếp dày và thấp hơn, những sợi khói đan dệt yêu thương cho lòng ta man mác.
 
nhoi-mui-khoi-bep-que-huong_111546851.jpg
Ảnh minh họa

 

Cái mùi khói cay nồng quen thuộc vấn vít trên mái đầu, quần áo mà ấm áp lạ kỳ! Cái hương ấy khiến người đi xa cứ rưng rưng nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Nó có mùi bùn của ruộng đồng, mùi của mồ hôi mẹ cha, cô bác ta. Bởi thế mà nồi cơm độn khoai lang nấu bằng nồi đồng điếu vùi trong hơi lửa của rơm rạ vẫn ngon tuyệt vời! Những ngày xa quê học sư phạm, trong tiếng mưa tí tách, tôi chỉ muốn được về nhà để được ăn lưng cơm có mùi khói bếp thơm nặng tình, sâu nghĩa.
 
Sáng sớm, nhà nhà bếp tỏa khói nấu cám cho mẹ con “chị sề” mới sinh đàn con. Rồi luộc mươi củ khoai lang lót dạ. Khói tỏa khắp sân, tỏa vào cây trong vườn. Nhìn khói mờ ảo quyện sương sớm mà thấy lòng lâng lâng.
 
 
Chiều đông, trong cái lạnh tê tái, đi làm đồng về, được ngồi đun bếp rồi sưởi đôi tay trên ngọn lửa rơm rạ, chỉ một lúc là người ấm hẳn lên. Thú nhất những ngày gặt tháng mười, cả nhà tôi quây quần bên bếp rạ ăn cơm. Ngọn lửa hồng xua tan giá rét. Cái hương bếp ngày mùa vô cùng quyến rũ. Đó là hương thơm của sự bội thu, no ấm.
 
Nhưng có khi hương khói bếp hao gầy bởi những ngày bão táp mưa sa. Bát cơm độn chỉ bữa lưng bữa vực. Mỗi lần đun bếp, tôi lại lấy que cời gẩy những hạt nẻ trắng tinh nổ ra từ những hạt thóc sót lại trong rơm, cho vào hai túi áo bà ba để ăn nhí nhách. Càng yêu tha thiết ruộng nương, bờ bãi đã nuôi lớn đời ta!
 
Xa quê, càng thương về làn khói bếp những năm dài khốn khó. Mẹ tảo tần vun từng mô rạ, nắm rơm. Lòng se sắt nhớ về trận bão năm nào, mưa gió làm ướt hết rơm rạ, mẹ phải ngồi đốt để hong những nắm rạ cho khô mới có đồ đun. Khói nghi ngút khiến mắt cay xè nhưng mẹ cũng nấu xong cơm cho cả nhà khỏi đói...
 
Khói bếp khiến nét quê bình dị một thời, là tình yêu gia đình, tình làng nghĩa xóm nồng nàn. Nhà thơ Vũ Quần Phương từng viết:
 
Khói lục khói xanh đầy mọi ngõ
Khói tự trăm nhà quyện vào nhau
Trong khói ấm vui từng ánh lửa
Từng con đường nhỏ, vết chân trâu (“Khói bếp”).
 
Đã qua rồi cái thời “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ”. Cuộc sống người dân quê đã khá giả. Bếp rạ rơm chỉ còn trong ký ức. Nhưng tôi vẫn bùi ngùi nhớ về hương khói bếp năm nào!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn