Hậu Covid-19, hàng loạt các chương trình ưu đãi, giảm giá tour để kích cầu du lịch đã khiến cho các điểm du lịch luôn trong tình trạng đông đúc. Từ giữa tháng 7, nhiều điểm du lịch đã bị quá tải đặc biệt là vào cuối tuần.
- Tại Quảng Ninh, chỉ trong ngày 19/7, tỉnh đã đón lượng khách kỷ lục với trên 100 nghìn lượt khách, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đón gần 30.000 lượt du khách. Bảo tàng Quảng Ninh đón khoảng 9.000 lượt du khách tham quan.
- Tỉnh Lào Cai cũng ghi nhận lượng khách tăng đột biến. Trong tuần từ ngày 13/7 đến ngày 19/7, Lào Cai đón trên 80.000 lượt khách. Riêng khu vực nhà ga cáp treo Fansipan có những ngày cao điểm trên 10.000 lượt khách, Khu du lịch quốc gia Sa Pa đón trên 48.000 lượt khách.
- Lượng khách đến Đà Lạt trong những ngày qua tăng mạnh, ước đạt 100.000 lượt khách/ngày
- Tính trong 2 tuần đầu tháng 7, lượng khách đến Nha Trang đã tăng gấp 4-5 lần so với tháng 6.
- Từ ngày 13 đến 19/7, đã có khoảng 300.000 lượt khách đến Vũng Tàu.
Quá tải ngay từ khi đặt phòng
Dự kiến đưa cả gia đình đi biển vào cuối tháng 7, nhưng liên hệ khắp nơi, từ Sầm Sơn, Cửa Lò, Quảng Bình, Hạ Long…, đều rất khó đặt phòng. Chị Lê Thúy (Q. Long Biên, Hà Nội) quyết định chuyển phương án sang đi nghỉ dưỡng vùng núi, nhưng tình hình cũng không khá hơn là mấy. Dù đã rời lịch sang cuối tháng 8, nhưng tại Sapa, những khu nghỉ đẹp đều thông báo đã kín phòng.
Tiếp tục chuyển sang đi du lịch Ninh Bình, vừa chuyển 1 triệu tiền đặt cọc cho đêm nghỉ 1/8 tại một bungalow ở Tam Cốc, chưa kịp mừng thì chị Thúy được nhân viên lễ tân khu nghỉ thông báo: Em nhầm lịch. Ngày đó bọn em kín phòng rồi. Em sẽ xếp gia đình chị sang nghỉ ở khu 2. Nếu không, chị nhận lại tiền cọc. Tất nhiên, khu 2 không đẹp bằng khu chị Thúy đặt phòng lúc ban đầu. Khách hàng lại phải đặt thêm 1 bữa ăn chính mới có phòng nghỉ. Vừa bực vì không đặt được phòng, vừa tức vì thái độ không chuyên nghiệp của nhân viên. Chị Thúy bức xúc.
Dù các thông tin, quảng bá về kích cầu, giảm giá, người Việt Nam đi du lịch Việt Nam sẽ mua được tour, phòng, dịch vụ du lịch giá rất rẻ. Nhưng thực tế, nếu mua dịch vụ trong thời gian này, giá vé máy bay, giá phòng nghỉ, giá dịch vụ ăn uống đều tính giá dịch vụ trong mùa cao điểm.
Với những người may mắn mua được voucher giá rẻ trước đó, muốn đi chơi trong mùa hè cũng chẳng dễ dàng gì.
Chị Kim Liên (Q. Cầu Giấy) "săn" từ ngày 10/5 mới được voucher du thuyền trọn gói tour du lịch Vịnh Hạ Long, Lan Hạ 2 ngày 1 đêm với giá 2.090.000 đồng/người, để cho con đi nghỉ hè. Nhưng vận dụng đủ mọi mối quan hệ chị cũng không thể đặt cabin và sử dụng voucher vào tất cả các ngày trong tháng 7 và các ngày cuối tuần của tháng 8, vì du thuyền đã kín chỗ. Trong tháng 8 cũng chỉ còn có khoảng vài ngày du thuyền còn chỗ. 4 chiếc voucher trị giá hơn 10 triệu cho gia đình 5 người nhà chị Liên không biết khi nào chị mới sử dụng được.
Đi du lịch trong thời gian này, đúng là tắc từ trên trời xuống dưới đất. Anh Hồng Cường (phố Khương Hạ) than thở sau chuyến du lịch Huế cùng gia đình. Theo dự kiến là 20h30 hạ cánh mà máy bay bị delay, 1h sáng hôm sau cả gia đình tôi mới về đến nhà. Sân bay ga đi lẫn ga đến đều luôn trong tình trạng chật cứng và delay (trễ chuyến) là điều các du khách nên chuẩn bị tinh thần từ trước.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tuần từ 13-19/7, các hãng hàng không thực hiện hơn 5,9 nghìn chuyến bay, tăng 21,3% so với cùng kỳ 2019, vận chuyển xấp xỉ 1,1 triệu khách.
Không chỉ trễ chuyến, nhiều du khách còn không thể thực hiện chuyến bay mình đã mua vé. Tiêu biểu như trường hợp của nhóm hành khách trên chuyến bay BL245 của hãng Pacific Airlines (tên cũ là Jetstar Pacific Airlines) từ Hà Nội đi Đà Lạt ngày 20/7. Do hãng hàng không bán vé vượt quá số ghế cung ứng trên chuyến bay nên một nhóm khách đến sân bay nhưng chuyến bay không còn chỗ trống.
Di chuyển dưới mặt đất cũng không dễ dàng gì. "Quảng Ninh "thất thủ" với gần 100.000 lượt người đến trong một ngày (19/7) và rất nhiều du khách không có phòng phải ngủ trên xe, khách đặt ăn nhà hàng không được vì quá tải. Tam Đảo tắc đường dài từ chân đến đỉnh, tầm 10km. Cát Bà hết phòng. Ở Phú Quốc cảm tưởng như cả thế giới đang ở đó vì cứ 1m2 có tới 10 du khách…" Đây là những khuyến cáo được gửi tới các du khách trong dịp cao điểm này.
Chị Thanh Hằng (hướng dẫn viên tại TP. Vũng Tàu) cho biết: Trong hai ngày cuối tuần vừa qua (18, 19/7), khu vực trung tâm thành phố như đường Thùy Vân tắc đường, kẹt cứng. Xe cộ chen nhau khắp các tuyến đường. Bãi biển đông nghẹt người. Hàng quán đông đúc. Tuy không có hiện tượng chặt chém giá cả, nhưng du khách phải chờ đợi khá lâu mới được phục vụ đồ ăn, thức uống.
Với tâm lý đi ngay, đi nhanh để hưởng các chương trình kích cầu du lịch, thay vì tận hưởng một kỳ nghỉ như mong muốn, nhiều du khách đã trải qua những ngày "hành xác" bởi điểm đến quá tải, dịch vụ không đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian, xáo trộn hành trình du lịch, mà còn bị ảnh hưởng đến tâm lý của du khách, đến chất lượng kỳ nghỉ họ đã dày công chuẩn bị.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn