Ngay lập tức, báo động đỏ được thông báo đến cán bộ nhân viên khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội), từ khi bệnh nhân chưa được chuyển lên phòng bệnh. Ê-kíp ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) cấp cứu của khoa được kích hoạt.
Bệnh nhân mới 19 tuổi được chẩn đoán viêm cơ tim cấp biến chứng suy tim cấp, sốc tim, rối loạn nhịp thất phức tạp.
Sau khi được thực hiện kỹ thuật ECMO hỗ trợ tim và nhiều loại thuốc tim mạch cùng lúc, 2 ngày sau, bệnh nhân tỉnh táo nhưng đôi lúc lo lắng, bồn chồn.
Sang ngày thứ 3 duy trì ECMO, cô bắt đầu xuất hiện triệu chứng khó thở kèm ho nhiều. Đây là biểu hiện của tình trạng suy tim tiến triển và tăng áp lực thất trái, gây phù phổi cấp do ảnh hưởng bất lợi của dòng ECMO. Khó khăn tiếp tục xuất hiện: Nếu phải gây mê đặt ống nội khí quản để chăm sóc hô hấp, bệnh nhân sẽ không thể giao tiếp, khó khăn hơn cho thầy thuốc trong việc theo dõi; bệnh nhân đối diện với nhiều biến chứng do thở máy như viêm phổi, đột quỵ có thể xảy ra. Tuy nhiên, quyết định đặt ống đã được đưa ra.
Sau hơn 10 ngày điều trị tại khoa Hồi sức Tim mạch, nữ sinh được xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt, có thể tự đi lại nhẹ nhàng và sinh hoạt cá nhân đơn giản.
Viêm cơ tim cấp là bệnh lý ít gặp nhưng có thể diến biến rất nguy kịch, thường khởi phát sau một viêm nhiễm thông thường như cảm cúm, viêm đường hô hấp.
Ban đầu, bệnh nhân có thể sốt hoặc không, nhưng sau đó có thể có các triệu chứng khác như đau ngực, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, thậm chí là choáng, ngất, ngừng tuần hoàn... Đây là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở người trẻ. Người bệnh nếu có biểu hiện đau ngực, khó thở hoặc choáng, ngất đặc biệt là sau viêm nhiễm đường hô hấp, sốt cần tới khám đánh giá tình trạng tim mạch ngay để tránh các biến chứng đáng tiếc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn