Thực tế, đã có nhiều trường hợp con trẻ do tính bốc đồng của mình mà sa vào con đường nghiện ngập, mắc tệ nạn xã hội. Nhưng cũng không ít em dám nhìn nhận sự thật, lắng nghe sự góp ý, rèn luyện và dần dần thay đổi bản thân.
Có một nam sinh lớp 8 rất nghịch ngợm. Một hôm, trong giờ sinh hoạt lớp, thầy chủ nhiệm phê bình học sinh này trước lớp. Cậu liền chạy ra nhà để xe cầm theo con dao lam đòi cứa vào tay. Cả lớp ai cũng sợ nên đuổi theo ngăn cậu ta lại. Thầy giáo chủ nhiệm lớp cũng chạy theo nhưng thầy rất bình tĩnh. Thầy yêu cầu cậu ta dừng ngay hành động lại rồi nói chuyện. Thầy phân tích hậu quả và cho cậu ấy lựa chọn. Thầy bảo: "Anh muốn chứng tỏ mình phải không? Anh có dám làm lớp trưởng không, tôi cho anh làm? Anh mà làm được thì tôi xin lỗi anh trước lớp". Sau khi nghe thầy nói điều đó một cách nghiêm túc, nam sinh này đã đồng ý và vứt con dao lam đi. Sau đó, cậu ấy làm lớp trưởng. Kể từ khi làm lớp trưởng, cậu ấy rất gương mẫu, quý mến thầy và chuyên tâm học hành hơn. Cậu ấy trở nên chín chắn, có trách nhiệm trong công việc quản lý lớp.
Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về những thay đổi tâm, sinh lý trong giai đoạn dậy thì của trẻ, dành nhiều thời gian quan tâm, trò chuyện với các con nhiều hơn thì mới hiểu rõ lý do hành động bốc đồng đó.
Ở giai đoạn dậy thì, trẻ có rất nhiều điều thay đổi trong cơ thể, bao gồm các hormone, cấu trúc bộ não và sự phát triển về thể chất. Lúc này bộ não trẻ gia tăng nhanh một chất gọi là Myelin. Chất này đã có từ thời kỳ bào thai và tiếp tục sản sinh trong những năm đầu đời của trẻ. Đến tuổi dậy thì, chúng phát triển mạnh, giúp đẩy nhanh quá trình xử lý thông tin của não bộ. Điều này giải thích lý do tại sao trẻ bước vào tuổi dậy sẽ thông minh hơn, nhanh nhạy với thông tin hơn, đồng thời cũng dễ bốc đồng hơn.
Ngoài ra, vỏ não trước (the prefrontal cortex) vẫn tiếp tục phát triển trong giai đoạn dậy thì nên trẻ có thể "sử dụng" nó chưa thành thạo. Vì thế, trẻ vẫn phải dựa vào một phần hạch hạnh nhân để đưa ra các quyết định của mình. Đồng thời, hạch hạnh nhân đóng vai trò thiết yếu trong việc xử lý các ký ức, hành vi bản năng và các phản ứng cảm xúc. Điều này giải thích cho việc trẻ tuổi teen dễ bị cảm xúc chi phối, hành động một cách bốc đồng.
Ở giai đoạn tuổi teen, trẻ phải trải qua nhiều mối quan hệ mới, không chỉ dừng lại ở mối quan hệ gia đình. Vì vậy, nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi. Cha mẹ cần tôn trọng sự thay đổi mà con đang trải qua trong giai đoạn dậy thì. Điều cha mẹ nên làm là ghi nhận những việc con có thể làm và động viên, hướng dẫn việc con làm chưa tốt. Cha mẹ cần làm gương trong việc ứng xử và quản lý cảm xúc của mình. Vì ở độ tuổi này con trẻ đang có xu hướng muốn làm người lớn, muốn chứng tỏ mình. Ngoài ra, cha mẹ cần gia tăng các hoạt động gắn kết gia đình như làm việc nhà, đi du lịch cùng nhau, chơi thể thao...
Những hoạt động này giúp con học được cách cư xử phù hợp, biết cách giải quyết mâu thuẫn một cách lành mạnh. Cha mẹ cần dành thời gian nói chuyện với con nhiều hơn, giải thích cho trẻ về các giới hạn cần thiết, hậu quả của một số hành vi nguy hiểm, đồng thời cho con tự chịu trách nhiệm ở một số tình huống.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn