Hệ lụy từ uống "nước ngọt" vô tội vạ
Từ một đứa trẻ nhanh nhẹn và năng động, Trần Thanh Nam (16 tuổi, Bắc Ninh), một học sinh ở Hà Nội trở thành một thiếu niên "nặng nề" và chậm chạm. Bà Lê Thị Ngoan, bà ngoại của Nam kể lại, từ lúc còn nhỏ đến khi học lớp 1, Nam là cậu bé năng động và nhanh nhẹn. Nhưng từ khi lên lớp 3, Nam bắt đầu có thói quen ăn vặt ở cổng trường trong lúc chờ bố mẹ đến đón. Kèm theo đồ ăn vặt bao giờ cũng là nước ngọt đóng chai.
"Mỗi ngày cháu đều uống nước ngọt, thậm chí khi làm được việc gì tốt hoặc được điểm cao cháu cũng đòi thưởng bằng nước ngọt. Mới đầu cháu mập lên khiến bố mẹ rất vui, nhưng cân nặng ngày càng tăng lên mất kiểm soát. Lúc lên lớp 5, cháu cao 1m52 và nặng 69kg. Năm nay cháu học lớp 10, cao 1m66 nhưng nặng hơn 80kg. Cháu chậm chạp, hay ngồi thở dốc và không còn linh hoạt như trước", bà ngoại lo lắng chia sẻ.
PGS.TS. Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), tình trạng thừa cân béo phì là vấn nạn, đặc biệt là ở trẻ em. Ở Việt Nam, theo các kết quả điều tra dinh dưỡng, năm 2020, có 19% trẻ em từ 5-19 tuổi thừa cân béo phì, ở người trưởng thành là là 19,6%. Tại khu vực Hà Nội, TPHCM, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì chiếm tới 40%.
Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, trẻ em thường xuyên uống nước ngọt thì nguy cơ béo phì tăng 43%; người tiêu thụ nước ngọt thường xuyên từ 1-2 lon/ngày hoặc nhiều hơn tăng 26% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. .
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đồ uống có chứa đường tự do hiện có trong nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép rau quả, hoặc dạng cô đặc hay dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có thêm đường. Trung bình, mỗi người Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người lớn nên dưới 25g và dưới 12 g với trẻ em. Để kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì và bệnh mạn tính không lây đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam, một trong những biện pháp đó là cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường, đặc biệt nhóm thực phẩm có bổ sung đường.
Cần kiểm soát tiêu thụ đồ uống có nhiều đường
Để giảm tiêu thụ đồ uống có nhiều đường, PGS.TS Trương Tuyết Mai khuyến cáo nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, và các nước không hoặc rất đường thay cho các loại nước ngọt chứa nhiều đường. Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường và đồ uống có đường, bao gồm nước ngọt, cà phê hòa tan chứa nhiều đường, bánh kẹo ngọt...
Đặc biệt, cần hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn. Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác. Nên ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường. Đối với trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường...
PGS.TS Trương Tuyết Mai cũng khuyến cáo mạnh mẽ, người dân cần có thói quen đọc thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm, trong đó đặc biệt chú ý đến năng lượng, lượng carbonhydrate, lượng chất béo, lượng đường tổng số, lượng natri (muối) cho một khẩu phần sử dụng.
Cha mẹ cũng cần chỉ dạy cho con mình biết các thông tin này trên nhãn thực phẩm bao gói khi trẻ tiêu thụ thực phẩm đó. Điều này sẽ giúp hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều muối."Cần phải có những biện pháp đồng bộ để kiểm soát được vấn đề tiêu thụ đồ uống, thực phẩm có chứa nhiều đường. Bởi, việc sử dụng đồ uống, thực phẩm có đường là một thói quen rất dễ tăng cao đối với lứa tuổi học sinh và người dân nên cần phải có sự kiểm soát, hạn chế quảng cáo cũng như kiểm soát được lượng tiêu thụ", PGS.TS Trương Tuyết Mai nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, có 3 biện pháp giảm tiêu thụ lượng đồ uống có đường, đó là: áp thuế với đồ uống có đường; hạn chế quảng cáo với trẻ em và truyền thông sử dụng đồ uống có đường không hợp lý.
Thạc sĩ Vũ Thị Minh Hạnh, Cố vấn cấp cao, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) cho hay, đường dạng lỏng trong đồ uống có đường dễ dung nạp, cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo đã dung nạp để gửi tín hiệu no đến não bộ. Đường Fructose được thêm vào tromg đồ uống có đường gây tích tụ mỡ cho cơ thể. Các bằng chứng khoa học đã chứng minh giảm năng lượng nạp vào hiệu quả hơn so với tập thể dục để giảm trọng lượng cơ thể.
Đồ uống có đường cũng là nguồn cung cấp đường lớn nhất trong chế độ ăn, đóng góp 25% đường tự do tiêu thụ ở người lớn và 40% lượng đường tự do tiêu thụ ở thanh thiếu niên. Nó cung cấp lượng calo rỗng, không có giá trị dinh dưỡng, đồng thời kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate và làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no.
"Việc đề xuất tăng thuế đối với đồ uống có đường được Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính rất chặt chẽ, cùng với các Bộ khác. Hơn 100 quốc gia đã thực hiện tăng thuế đối với đồ uống có đường để giảm thiểu gánh nặng về bệnh tật", Thạc sĩ Vũ Thị Minh Hạnh cho biết.
Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam nên tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ đồ uống có đường; quy định dán nhãn mặt trước thể hiện hàm lượng đường; nâng cao nhận thức về các lựa chọn đồ uống lành mạnh; giảm tính sẵn có của đồ uống có đường; cấm tiếp thị đồ uống có đường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn