Theo TS Bùi Đặng Dũng, KTNN đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước cũng như phát hiện sai phạm trong các dự án công. Theo ông Dũng, cơ sở dẫn liệu mà của Kiểm toán Nhà nước đưa ra là những bằng chứng xác thực và đáng tin cậy cho Quốc hội, từ đó thực thi quyền giám sát các Bộ, ngành.
“Thực tế vừa qua cho thấy, vẫn có nhiều Bộ, ngành còn e ngại kiểm toán. Tôi lấy đơn cử như việc kiểm toán các dự án BOT của Bộ GTVT trong thời gian qua thôi, khi KTNN thực hiện kiểm toán tại 61 dự án BOT, thì hầu như đều phát hiện có sai phạm, kết quả kiểm toán đã giúp giảm 222 năm phải chịu phí oan cho người dân. Đây là điều đáng ghi nhận”, ông Dũng nêu dẫn chứng.
Cũng theo TS Bùi Đặng Dũng, thực tế hiện nay đòi hỏi KTNN phải nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình để đáp ứng tình hình mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “KTNN phải nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của mình, không được ngại va chạm khi kiểm toán các dự án lớn. Một điều đáng buồn hiện nay là chúng ta cứ kiểm toán đến đâu thì lại phát hiện sai phạm đến đó”, ông Dũng nói.
Đánh giá lại hoạt động của KTNN sau ¼ thế kỷ, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, trải qua 25 năm phát triển, hoạt động kiểm toán không ngừng được nâng cao toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả.
Kết quả tổng kết của KTNN trong những năm qua cho thấy, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 413 nghìn tỷ đồng, đặc biệt kết quả xử lý tài chính có bước tiến mạnh trong 5 năm qua (2013-2018) với tổng xử lý tài chính 288.671 tỷ đồng (trong đó tăng thu, giảm chi 144.261 tỷ đồng, kiến nghị khác 144.410 tỷ đồng), gấp hơn 2,3 lần tổng số kiến nghị trong 20 năm (1994-2013).
Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị sửa đổi, thay thế hơn 1.200 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí, góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, đặc biệt góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của đất nước.
Cụ thể, những kiến nghị của KTNN bao gồm hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hình thức đối tác công tư, hoàn thiện chính sách quản lý và sử dụng đất, về cơ chế quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa.
Cũng tại hội thảo, đại diện cơ quan KTNN cho rằng, Luật KTNN năm 2015 trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Do đó, đòi hỏi Luật KTNN phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản như quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân liên quan, quy định cụ thể nhiệm vụ của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán cho KTNN.
Theo kế hoạch, Luật KTNN (sửa đổi) sẽ được trình ra Quốc hội tại Kì họp thứ 8 Quốc hội Khóa 14 vào tháng 10 năm nay để xin ý kiến.
KTNN được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ với chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế Nhà nước, và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội có sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp.
Thời kỳ đầu mới thành lập, KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 70/CP và Quyết định số 61/TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện kiểm toán theo chương trình, kế hoạch kiểm toán do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến nay, KTNN là một thể chế được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể, tại điều 118 của Hiến pháp đã khẳng định: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Như vậy, Hiến pháp 2013 quy định KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đã mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm toán nhiều hơn so thời kỳ đầu mới thành lập là kiểm toán các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.
|