Theo thống kê tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, từ tháng 6 đến tháng 9/2022 có khoảng 900 bệnh nhân bị viêm da kích ứng đến khám, riêng do viêm da tiếp xúc với kiến khoang chiếm gần 1 nửa số này.
Kiến ba khoang (tên khoa học là Paederus fuscipes) là nhóm côn trùng thuộc bộ cánh cứng. Hình dạng kiến ba khoang tương tự như hạt thóc với chiều dài thân phổ biến từ 1 - 1,2cm. Từ phần đầu tới đuôi của kiến ba khoang là sự xen kẽ hai màu đen và đỏ/cam - đây cũng là cách phân biệt kiến ba khoang với kiến lửa.
Mùa mưa từ tháng 6 tới tháng 10 được cho là mùa sinh sản và phát triển nhanh của kiến ba khoang. Bởi thời điểm này kiến ba khoang sẽ tìm tới nơi khô ráo để sinh sống và đặc biệt thích ánh sáng từ bóng đèn huỳnh quang.
Chính điều này khiến kiến ba khoang dễ bay vào nhà dân, đậu vào quần áo, giường chiếu, chăn màn, khăn mặt,... việc vô tình tiếp xúc với dịch độc là pederin trong kiến ba khoang qua hoạt động như chà xát hay giết/bóp kiến có thể khiến người tiếp xúc gặp các tổn thương da như bỏng hoặc viêm da tiếp xúc.
Khi bị kiến ba khoang cắn, bạn có thể nhận thấy vết cắn thay đổi theo thời gian như sau:
- Khi mới bị cắn, vết cắn sẽ có cảm giác rát nhẹ. Vết cắn của kiến ba khoang thường phổ biến ở các vùng hở trên cơ thể như ở mặt, ở cổ, ngực, vai, gáy, lưng hay tay
- Sau 6 - 8 giờ vết cắn sẽ chuyển sang dát đỏ
- Sau 12 - 24 giờ sẽ có những thương tổn điển hình bao gồm: vết đỏ, nền cộm có mụn nước (phỏng nước) hay mụn mủ ở giữa vết cắn. Người bị kiến đốt sẽ xuất hiện những vết đỏ và có nổi cộm theo những vệt dài khoảng 1 - 5 cm và rộng từ 3 - 10mm. Nếu gãi hay chà xát mạnh, vùng đỏ sẽ lan rộng sang những vùng da lành khác. Với trẻ nhỏ có thể kèm theo sốt nhẹ hay nổi hạch ở các khu vực lân cận
- Sau 3 ngày thì vết cắn do kiến ba khoang sẽ đỡ rát, bớt đỏ và bong vảy dần. Sau 2 - 3 tuần thì vùng da bị tổn thương do tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang qua vết cắn mới hồi phục hoàn toàn. Thường thì tổn thương ít sẽ tự lành nhưng nếu nhầm lẫn với các nốt như zona thần kinh, giời leo, nấm,... có thể khiến tổn thương lan rộng do chữa trị sai cách dẫn tới tổn thương bị loét sâu và lâu lành hơn thậm chí là nhiễm khuẩn máu.
Độc tố của kiến ba khoang mạnh gấp 12 - 15 lần nọc độc của rắn hổ. Để tránh tiếp xúc với Pederin khi bị đốt hoặc khi phát hiện thấy có kiến ba khoang trong nhà thì tuyệt đối không được nghiền hay chà xát kiến. Nếu lỡ đập hay chà xát kiến ba khoang thì cần nhanh chóng rửa sạch tay lại với xà phòng dưới vòi nước sạch
Trong trường hợp bị dính độc tố do bị kiến ba khoang đốt cần tránh gãi hay chà xát mạnh ở vùng bị cắn, tránh cho chất độc bị lan ra rộng hơn. Sau đó rửa sạch vết cắn dưới vòi nước sạch càng sớm càng tốt, đặc biệt nếu bị dính ở vùng mắt.
Nếu bị dịch độc của kiến ba khoang dính vào mắt, bạn cần dùng tăm bông hay các dụng cụ y tế chuyên dụng để gắp xác kiến ra ngoài, lúc này cần đặc biệt nhẹ nhàng nếu không có thể khiến nọc độc đi sâu vào mắt gây tổn thương nhiều hơn.
Sau đó nhanh chóng rửa mắt dưới vòi nước sạch hoặc sử dụng tăm bông có thấm nước để lau rửa nhẹ nhàng. Tiếp đó cần di chuyển ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ tiến hành chẩn đoán và đối phó.
Nhìn chung, kiến ba khoang đang vào cao điểm mùa sinh sản, vì thế mà các gia đình cần có biện pháp phòng ngừa triệt để, chẳng hạn như:
- Đóng cửa, buông rèm khi bật các thiết bị điện trong nhà
- Lắp thêm các loại lưới chống côn trùng với cửa sổ, cửa ban công; nhất là đối với những gia đình gần đồng ruộng, công trình xây dựng
- Mắc màn để ngủ
- Vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh sạch sẽ
- Xịt/phun thuốc diệt côn trùng định kì từ 3 - 6 tháng một lần như deltamethrin, alphacyhalothrin và permethrin
- Trước khi sử dụng khăn tắm hay khăn mặt hay chăn gối cần quan sát kĩ, giũ sạch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn