Đa dạng mô hình sinh kế
Là tỉnh nằm ở phía Tây Nam, Kiên Giang có dân số hơn 1,75 triệu người, gồm 3 dân tộc chính: dân tộc Kinh chiếm 84,84%; dân tộc Khmer chiếm 12,96%; dân tộc Hoa chiếm 2,1% và dân tộc khác chiếm 0,1%. Trong đó, người Khmer sống đan xen trong cộng đồng dân cư ở khắp 15 huyện, thành phố trong tỉnh; đa số sống bằng nghề nông, làm rẫy, làm thuê, đánh bắt hải sản, đời sống còn khó khăn.
Các cấp Hội LHPN tỉnh Kiên Giang xác định việc xây dựng các mô hình sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã là một nhiệm vụ quan trọng và rất cần thiết, góp phần tập hợp phụ nữ vào tổ chức Hội, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Từ đó, Hội LHPN tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo thành lập và duy trì các tổ hợp tác, hợp tác xã và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của hội viên phụ nữ. Qua đó, từ đầu năm đến nay đã thành lập mới được 4 hợp tác xã, hỗ trợ duy trì 6 hợp tác xã hoạt động đạt hiệu quả. Tiếp tục kiện toàn nâng cao chất lượng 246 tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, có 36 mô hình sinh kế.
Các cấp Hội phối hợp tổ chức tập huấn bồi dưỡng hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh. Các mô hình, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả như mô hình chăn nuôi, buôn bán nhỏ ở xã Nam Yên (huyện An Biên), tổ hợp tác bó chổi xã Sơn Bình (huyện Hòn Đất), tổ hợp tác đan đệm bàng ở xã Phú Mỹ (huyện Giang Thành), hợp tác xã đan lục bình xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (huyện Gò Quao)…
Đẩy mạnh hỗ trợ vốn, quảng bá sản phẩm
Theo Hội LHPN tỉnh Kiên Giang, bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển các mô hình, tổ hợp tác xã cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Cụ thể, đầu ra sản phẩm chưa ổn định do chưa kết nối được với doanh nghiệp tiêu thụ. Trang thiết bị, máy móc còn lạc hậu, nguồn vốn đầu tư ít, công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa thường xuyên nên chất lượng sản phẩm chưa thực sự cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, hợp tác xã thành lập nhưng chưa đủ kiến thức quản lý, chưa hạch toán được chi phí, lợi chuận, chưa đánh giá được hiệu quả hoạt động nên thủ tục vay vốn còn khó khăn, do không đủ điều kiện để ngân hàng hỗ trợ theo quy địch. Ngoài ra, cán bộ quản lý hợp tác xã còn thiếu kỹ năng quản lý, điều hành. Hoạt động của các mô hình còn đơn lẻ, chưa có sự kết nối.
Để khắc phục những khó khăn trên, Hội LHPN tỉnh Kiên Giang cho hay, trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao tay nghề, tập huấn công tác quản lý, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, đề xuất hỗ trợ hợp tác xã tập huấn về quy trình quản lý theo đúng quy định để đảm bảo đủ các điều kiện vay vốn, hỗ trợ hợp tác xã vay vốn phát triển bền vững. Hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao tay nghề, nâng chất lượng sản phẩm nhằm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Về triển khai Dự án 8 "Thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", năm 2022, Hội LHPN tỉnh Kiên Giang tập trung thực hiện tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải pháp những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em…
Qua đó, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn