Kiến nghị bổ sung quy định bồi dưỡng khởi nghiệp cho nữ phạm nhân

08:45 | 13/11/2018;
Theo khảo sát của TƯ Hội LHPNVN tại 3 trại giam cho thấy, phần lớn nữ phạm nhân sau khi ra trại không thể sử dụng được nghề đã học trong trại giam. Có tới 26,1% nữ phạm nhân muốn kinh doanh, 44,4% muốn làm thuê sau khi ra trại.

Chiều 12/11 tại phiên thảo luận ở tổ, góp ý Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN, nêu thực tế các nghề phạm nhân được học thường không sử dụng được khi ra trại.

Qua khảo sát của TƯ Hội LHPNVN năm 2018 với 300 nữ phạm nhân ở 3 trại giam tại Bình Phước, Bình Định, Thanh Hóa, cho thấy, chị em khi ra trại chỉ có 15,6% nói là sẽ làm nghề được học trong trại, còn 26,1% muốn kinh doanh, 44,4% làm thuê. Chị em phản ánh: “học nghề trong trại khi chấp hành xong án phạt tù ra hoàn lương không sử dụng được mà chỉ sử dụng được trong thời gian ở trong trại”.

nu.jpg
Nữ phạm nhân đọc các ấn phẩm của Báo PNVN. Ảnh minh họa

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết thêm: Trên thực tế, sau khi ra trại, phạm nhân đi làm thuê cũng gặp nhiều khó khăn vì họ đã có án tích. Do vậy, phương án khả thi hơn là họ tự tạo việc làm, khởi nghiệp để hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, Chủ tịch Hội LHPNVN đề nghị xem xét bổ sung quy định về “sử dụng kết quả lao động của phạm nhân” nội dung chi dạy nghề, bồi dưỡng kỹ năng mềm, kỹ năng phát triển bản thân, khởi nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh cho phạm nhân vào Điều 34 khoản 1 điểm e Dự thảo.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, về quy định liên quan đến trẻ em theo cha, mẹ đi chấp hành án, cần bổ sung vào điểm a khoản 3 Điều 50 dự thảo về quy định trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng bố, mẹ trong trại giam “được hưởng chế độ ăn dựa trên nhu cầu thực tế của trẻ và đảm bảo dinh dưỡng”.

Bởi trong dự thảo mới quy định trẻ dưới 36 tháng tuổi là con phạm nhân ở cùng bố, mẹ trong trại giam “hưởng chế độ ăn như đối với bố, mẹ”; ngày 1/6, Tết Trung thu được hưởng chế độ ăn gấp 2 lần ngày thường”. Theo đại biểu Thu Hà, quy định như vậy là “chưa phù hợp với trẻ”. Trẻ trong độ tuổi này cần được ăn dựa trên nhu cầu thực tế của trẻ và đảm bảo dinh dưỡng, được tặng quà, đồ chơi, là quan tâm đến việc phát triển vận động, nhận thức, ngôn ngữ và cảm xúc của trẻ.

 

nu-pham-nhan.jpg
Nữ phạm nhân lao động tại trại giam. Ảnh minh họa: CAND

 

Ngoài ra, cần xem xét bổ sung quy định các phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi, được tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi day con khoa học để trẻ được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, dinh dưỡng và phát triển đầy đủ về tinh thần.

Bên cạnh đó, về tư vấn tâm lý cho phạm nhân trong thời gian chấp hành án, đại biểu Thu Hà kiến nghị xem xét bổ sung quy định liên quan đến tư vấn tâm lý cho phạm nhân, giúp phạm nhân ổn định tâm lý, đặc biệt là giai đoạn đầu mới vào trại…

Xem video phát biểu của ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Bắc Giang):

Đây là dự án Luật quan trọng, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động trực tiếp đến đời sống, an ninh xã hội. Đa số đại biểu đều tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc mở rộng phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự thảo Luật để đáp ứng tình hình thực tiễn. 

Bên cạnh đó, các ý kiến đại biểu cũng băn khoăn về quy định tổ chức khu sản xuất, điểm lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam. Về vấn đề này, dự thảo Luật quy định căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. 

Đại biểu Hồ Đức Phớc, đoàn ĐBQH Nghệ An; đại biểu Hoàng Văn Hùng, đoàn ĐBQH Thái Nguyên cùng cho rằng, việc bảo đảm quyền lợi cho người thi hành án hình sự là cần thiết, tuy nhiên, cũng cần cân nhắc kỹ khi quy định nội dung này, trong đó có chế định về lao động của phạm nhân để vừa bảo đảm an toàn vừa bảo đảm mục đích cải tạo phạm nhân thành người có ích cho xã hội.

Bày tỏ không đồng tình, đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động sẽ rất phức tạp và trên thực tế cũng có trường hợp bỏ trốn, rồi hình ảnh phản cảm, tác động đến người dân xung quanh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn