Đặc biệt quan tâm tới đối tượng lao động nữ vì trực tiếp làm việc với những người lao động nữ tại doanh nghiệp, đại biểu Phùng Thị Thường, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, bày tỏ sự đồng cảm với lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ đang nuôi con nhỏ. Trong đó, nhiều trường hợp lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hết hợp đồng lao động buộc phải nghỉ việc, phải đối diện với vô vàn những khó khăn. Họ hết hợp đồng lao động khi đúng giai đoạn cần giữ việc làm, có nguồn thu nhập để lo cho con.
Tại điều 34 về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động là: Hết hạn hợp đồng lao động; Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động...
Đại biểu Thường đề nghị bổ sung vào quy định này khi “lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết khi con đủ 12 tháng tuổi”; lao động nữ mang thai hộ được gia hạn hợp đồng đến khi trao đứa trẻ và chỉ đến khi con đủ 12 tháng tuổi. Còn người nhận con được gia hạn hợp đồng lao động từ khi nhận con cho đến khi con 12 tháng tuổi.
Đồng quan điểm, đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH Tuyên Quang, cho rằng, điều 34, lao động nữ đang mang thai mà hết hợp đồng lao động thì vẫn bị chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết; trong khi đó, lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ thì rất khó khăn có thể tìm kiếm được việc làm mới, khó bảo đảm cuộc sống cũng như chăm sóc tốt nhất cho thai nhi.
Đại biểu này cũng kiến nghị lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ hết hợp đồng lao động được gia hạn hợp động, để họ đảm bảo được cuộc sống cũng như chăm sóc tốt nhất cho thai nhi và con nhỏ. Qua đó cũng thấy được tính nhân văn trong chính sách, pháp luật.
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu tập trung góp ý vào các vấn đề quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau như vấn đề tuổi nghỉ hưu, làm thêm giờ, thời giờ làm việc bình thường, việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động; hợp đồng lao động; thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động...