Kiến nghị tăng gói hỗ trợ cho nhóm lao động yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội

11:05 | 07/01/2022;
Tại phiên thảo luận sáng 7/1, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, phần lớn lao động làm công việc giản đơn, người cao tuổi, lao động tự do lại càng yếu thế hơn trong đại dịch. Vì vậy, rất cần tăng gói hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội bền vững hơn.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội dành phần lớn thời gian ngày 7/1 để thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phần lớn đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình cần thiết ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, cho rằng, dịch bệnh đã để lại hậu quả rất nặng nề với cả nền kinh tế, trong đó có vấn đề lao động và việc làm. Người lao động đang phải đối mặt với tình trạng mất việc, giãn, giảm việc làm.

Theo đại biểu này, tính riêng quý 3, cả nước đã có hơn 28 triệu lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch, trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm;  hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ tạm ngừng sản xuất kinh doanh… Đặc biệt là tình trạng giảm sâu thu nhập; số tiền tích lũy duy trì đảm bảo cuộc sống bị rút ngắn. Cùng với đó, tình trạng người lao động dịch chuyển về quê, khiến cho cung – cầu lao động mất cân đối; tạo ra bất cập trong thị trường lao động là nơi cần lao động thì thiếu nhân lực nghiêm trọng, còn ở các vùng quê thì lại chịu áp lực giải quyết việc làm cho người lao động dịch chuyển về quê.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, phần lớn lao động làm công việc giản đơn càng yếu thế trong đại dịch. Tỷ lệ mất việc của nhóm này cao gần gấp đôi so với các nhóm khác. Lao động có trình độ thấp, lao động là người lớn tuổi, lao động tự do rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Nhiều lao động khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang tìm việc ở khu vực phi chính thức, dẫn tới số lao động tự do tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, chiếm tới 57 % tổng số lao động có việc làm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn lao động đang có việc làm nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững. Trong khi đó, những chính sách an sinh bảo hiểm, chế độ ốm đau thai sản ở khu vực này rất hạn chế.

Theo đại biểu này, nhiều người lao động và người sử dụng lao động có nhu cầu về lao động nhưng chưa tìm được nhau trong bối cảnh trạng thái bình thường mới. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, áp dụng cả với lao động chính thức và lao động ở khu vực phi chính thức, thay vì chỉ dành hỗ trợ cho nhóm lao động khu vực chính thức như dự thảo nêu. Đồng thời dành khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân. Đặc biệt, dành một khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, tiền đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.

Kiến nghị tăng gói hỗ trợ cho nhóm lao động yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 1.

ĐBQH thảo luận tại điểm cầu địa phương. Ảnh quochoi.vn

Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, đề xuất: Chính phủ cần tăng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thực hành các quy tắc tổ chức lao động an toàn trong tình hình dịch COVID-19 để duy trì sản xuất an toàn. Điều này không chỉ đảm bảo sức khoẻ, việc làm và thu nhập cho người lao động và gia đình, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương. Đây cũng là cầu nối giữa duy trì sản xuất với phòng, chống đại dịch, là cách tiếp cận bền vững về cả kinh tế - xã hội và y tế, góp phần giữ chân người lao động.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội. Cụ thể là hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, mà chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật. Đặc biệt, hơn 2.000 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ đều tử vong do đại dịch COVID-19 và các nhóm lao động phi chính thức… Đây là những nhóm yếu thế nhất, dễ tổn thương nhất nếu không ổn định việc làm, mất sinh kế bền vững, ít có khả năng tự ứng phó trước các cú sốc đặc biệt nghiêm trọng và dài hạn như COVID-19.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn