Kiến nghị tiếp tục chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp thời điểm "mùa giáp hạt"

11:09 | 25/05/2024;
Thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43, sáng 25/5, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị, với chính sách giảm nộp thuế đến cuối năm 2024 được kéo dài sang năm 2025, đây là thời điểm "giáp hạt" đối với doanh nghiệp.

Sáng 25/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết: Nghị quyết số 43 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch Covod-19 đang diễn ra và gây tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm thấp, sản xuất kinh doanh thu hẹp, an sinh xã hội, việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Đoàn giám sát đánh giá, nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời như: chính sách tín dụng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế suất giá trị gia tăng đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Mạnh cũng nêu rõ một số hạn chế như: Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm; Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm.

Đặc biệt, một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác. Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu đề ra. 

Kiến nghị tiếp tục chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp thời điểm "mùa giáp hạt"- Ảnh 1.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, thảo luận

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, đánh giá cao việc ra đời Nghị quyết 43 hết sức kịp thời, hợp lòng dân. Qua Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề và thực tế ở địa phương, đại biểu Bích Ngọc cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, việc ban hành và tổ chức thực hiện một số chính sách cũng còn tồn tại, hạn chế, đặc biệt là công tác xây dựng, đề xuất danh mục dự án đầu tư từ nguồn vốn chương trình của một số Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, đại biểu kiến nghị, đối với các dự án đang triển khai thực hiện, đề nghị có các giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn chương trình đến hết năm 2025 đối với các dự án có khả năng đến năm 2025 hoàn thành.

Còn đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, cho rằng chính sách tài khóa cần các giải pháp điều chỉnh tổng cầu của nền kinh tế, cần tiếp tục các chính sách nhằm kích thích tiêu kích cầu tiêu dùng nội địa, xem xét tiếp tục giảm một số thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu. Đồng thời kiến nghị xem xét chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân để kích thích thị trường tiêu dùng, xem xét mức giảm trừ gia cảnh.

Kiến nghị tiếp tục chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp thời điểm "mùa giáp hạt"- Ảnh 2.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, thảo luận

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, nêu ra ví dụ cụ thể về việc phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ, cũng như "tính thời điểm" của chính sách, như việc giảm thuế xăng dầu, chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8%, nhưng lại phụ thuộc vào Quốc hội và phụ thuộc vào Nghị quyết 43. 

Còn đối với chính sách giảm nộp thuế đến cuối năm 2024, nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm 2025, đây là thời điểm "giáp hạt" đối với doanh nghiệp. Theo đại biểu, bài học rút ra là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Nếu trong tương lai có các chương trình gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn