Kiên trì lắng nghe cha mẹ già

15:43 | 03/10/2024;
Việc giao tiếp hiệu quả không chỉ củng cố mối quan hệ gia đình mà còn mang lại niềm vui cho mọi thành viên. Nhất là khi cha mẹ già, ít tiếp xúc với bên ngoài, lúc nào cũng chờ mong con cháu đi làm, đi học về để được chuyện trò. Làm sao để mang lại cho cha mẹ niềm hạnh phúc giản dị ấy?
1. Tạo không gian thoải mái để trò chuyện

Điều đầu tiên bạn nên làm là hãy thể hiện niềm vui có một quãng thời gian ngắn trong ngày dành cho cha mẹ một cách trọn vẹn. Dù là bữa cơm tối hay chỉ ngồi uống trà trước khi đi làm thì cũng đảm bảo tránh xa cái điện thoại, toàn tâm toàn ý cho khoảnh khắc bên cha mẹ. 

Người già rất nhạy cảm nên cố gắng đừng vội vàng ăn hay uống, đừng nghe qua loa những điều cha mẹ nói. Nó sẽ làm đóng lại việc cha mẹ thực sự muốn chia sẻ cùng con cháu.

2. Lắng nghe tích cực

Khi chúng ta còn bé mong được cha mẹ để mắt, quan tâm đến mình và nhớ những gì nói với mình bao nhiêu thì bây giờ, cha mẹ già mong chờ điều đó ở chúng ta bấy nhiêu. Vì vậy, bạn không nên nói chuyện cho xong mà thực sự chú tâm khi nói chuyện cùng cha mẹ mình. 

Thay vì hỏi những câu có câu trả lời "có" hoặc "không", hãy hỏi những câu như "Bố/mẹ cảm thấy thế nào khi...?" để khuyến khích họ chia sẻ nhiều hơn. Mỗi lần cha mẹ nói xong nên tóm tắt lại những gì đã nghe để bạn chắc chắn rằng mình đã hiểu đúng ý của họ. Nhớ thực hiện những gì đã nói với cha mẹ, không nói cho có.

3. Chia sẻ câu chuyện của mình

Ông bà, cha mẹ lúc nào cũng muốn biết cuộc sống, công việc của con cháu. Hãy tạo thói quen kể cho họ nghe hôm nay bạn có gì thú vị, mọi chuyện diễn ra như thế nào, điều gì khiến bạn lo lắng… để giúp cha mẹ hiểu hơn về cuộc sống, công việc của bạn, tạo những chủ đề chung giữa bố mẹ và con cái. 

Những dịp đặc biệt thì nên gợi lại những kỷ niệm vui vẻ, gắn kết giữa ông bà, bố mẹ và con cháu. Có chuyện gì còn băn khoăn thì nên hỏi ý kiến cha mẹ, cho thấy bạn tôn trọng và coi trọng kinh nghiệm của họ.

4. Thể hiện sự quan tâm

Mỗi sự quan tâm nhỏ của con cháu đều là "liều thuốc bổ" với cha mẹ già. Nó thể hiện qua việc hỏi thăm sức khoẻ hàng ngày, cho thấy bạn quan tâm đến bố mẹ. Hoặc bạn nhớ chuẩn bị những món quà nhỏ hoặc những lời chúc ý nghĩa gửi tới cha mẹ vào những dịp đặc biệt. 

Đơn giản là sự tham gia của bạn trong từng việc nhỏ quan tâm tới cha mẹ, khiến họ cảm thấy được yêu thương.

5. Kiên nhẫn và thấu hiểu

Mỗi năm, cha mẹ bạn thêm già đi, có thể thay đổi về thể chất và tâm lý, do đó cần sự kiên nhẫn và thấu hiểu hơn. Nếu có bất đồng quan điểm với cha mẹ, hãy tìm cách giải quyết hòa bình, đừng tranh cãi. 

Dù có đồng ý hay không với ý kiến của cha mẹ, hãy tôn trọng quan điểm của họ. Nếu là việc chung của gia đình thì bạn hãy ưu tiên xem xét từ ý kiến của cha mẹ. Nếu là việc riêng của gia đình bạn, hãy khẳng định với cha mẹ sẽ xem xét kỹ càng mọi điều, kể cả ý kiến của cha mẹ, để có quyết định chính xác hơn.

6. Vui vẻ cùng nhau

Cố gắng tạo ra những sinh hoạt chung của cả gia đình. Có thể là mỗi ngày cùng chuẩn bị một bữa ăn hay dọn dẹp bàn ăn. Hay mỗi tuần chọn một bộ phim hay, những bản nhạc mà cả nhà cùng thích để xem, để nghe cùng nhau lúc uống trà nói chuyện. 

Có thể thỉnh thoảng đi dạo, tham gia các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí trong lành.

Việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ già là một quá trình lâu dài và cần sự kiên trì. Nếu bạn cố gắng tạo ra những thói quen ấy, bạn sẽ nhận được những kết quả xứng đáng, thể hiện trong chính sự hoàn thiện nhân cách của các con và sự vui vẻ lúc tuổi già của bạn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn