Chị Lý Thị Thu Thủy tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Trước khi đến với đặc sản vùng miền, chị làm quản lý một khách sạn 3 "sao" tại khu vực biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Làm trong ngành du lịch nhiều năm, qua quan sát, chị nhận thấy ngoài nhu cầu ăn uống, vui chơi, giải trí thì mua sắm đặc sản vùng miền là điều không thể thiếu đối với khách du lịch.
Chính vì vậy, chị đã trăn trở và tìm hiểu thị trường đặc sản địa phương. Ý tưởng đã có nhưng trong tay không có vốn, chị mạnh dạn xin ứng trước 5 tháng lương cùng với sự hỗ trợ của gia đình. Với số vốn ít ỏi trong tay, chị bắt đầu tìm kiếm sản phẩm, đầu mối bỏ hàng, hoàn thành các thủ tục pháp lý để mở cửa hàng, sau đó quay vòng vốn. Cửa hàng đầu tiên của chị ra đời mang tên "Đặc sản Hồng Thủy Đà Nẵng" với các mặt hàng được du khách yêu thích như tôm, cá, mực khô, mực một nắng, mực rim me, bánh kẹo; các sản phẩm OCOP vùng miền như rau, củ, quả, nông sản đạt chứng nhận VietGap, GlobalGap.
Chị Thủy chia sẻ: "Ban đầu kinh doanh, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý hàng tồn kho, hàng hết hạn. Bởi vì lúc đó, tôi đang làm hai công việc cùng lúc nên rất vất vả. Buổi tối, tôi còn đi học thêm các lớp nghiệp vụ để quản lý kho hàng tốt hơn. Nhờ kiên trì với con đường đã chọn, đến nay, tôi đã mở được 5 cửa hàng Hồng Thủy Minimart quanh khu vực biển Mỹ Khê và kinh doanh phục vụ khách nội địa và quốc tế".
Những năm dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết các cửa hàng đóng cửa vì không có khách du lịch. Chị Thủy đã chuyển hướng kinh doanh sang phục vụ các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, gạo, mắm, muối, hóa mỹ phẩm... Các mặt hàng này chỉ bán được trong ngày, dễ bị hư hỏng và chịu lỗ nhiều khi hàng ứ đọng và không có đầu ra. Chính vì vậy, chị loay hoay tìm và khai thác khách hàng mới, kết hợp bán hàng online và qua các đơn vị liên kết như Grap Mart... Sản phẩm có xuất xứ rõ ràng cộng với chính sách hỗ trợ, chăm sóc khách hàng tốt là tiêu chí hàng đầu để "Hồng Thủy Minimart" giữ chân khách hàng.
"Khi thị trường du lịch ổn định trở lại, tôi sẽ mở lại cửa hàng đặc sản để phục vụ khách du lịch. Nhiều năm trước, tôi đã thành công khi chọn sản phẩm kinh doanh và khách hàng truyền tay nhau hình ảnh sản phẩm, tìm tới tận nơi để mua được sản phẩm đó. Hy vọng đại dịch được kiểm soát tốt để tôi và những người kinh doanh trong ngành dịch vụ nói chung, thành phố tôi đang sống nói riêng, được phục hồi và phát triển trở lại. Hiện tôi đang tích cực quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền với mong muốn hợp tác, kết nối, mở rộng nguồn đầu tư trong tương lai để chuỗi cửa hàng Hồng Thủy Minimart phát triển rộng rãi hơn", chị Thủy chia sẻ.
Nắm bắt nhanh xu hướng chuyển đổi số, chị Thủy còn đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến. "Khách đặt mua hàng qua fanpage và Zalo chiếm đến 70%. Siêu thị tiện lợi Hồng Thủy cũng hỗ trợ nhiều hình thức thanh toán như chuyển khoản, VnPay… để tạo thuận tiện cho khách hàng", chị Thủy cho biết.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Thủy còn mong muốn góp sức phát triển du lịch của thành phố, quảng bá và nâng cao giá trị sản vật địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn