Có một video xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc mới đây khiến nhiều phụ huynh chú ý: Một cô gái tổ chức sinh nhật, để chiều ý con, cha mẹ đưa cô đến tiệm ảnh để chụp một bức chân dung gia đình.
Giây phút đáng lẽ hạnh phúc nhất bỗng dưng bị phá tan bởi những hành động bất ngờ sau đó. Trong khi con gái đắm chìm trong niềm vui sắp chụp ảnh đẹp, cha mẹ không ngừng la mắng: "Chọn cái áo gì chẳng phù hợp gì cả, mẹ đã nói con từ đầu rồi"; "Trang điểm kiểu gì như cương thi vậy, trông ghê quá"; "Con ngồi chẳng ra dáng chút nào, làm xấu cả bức ảnh rồi"...
Video ngắn ngủi chưa đầy 30 giây, nhưng mỗi khoảnh khắc đối với cô gái nhỏ dường như trôi qua dài vô tận. Nhìn biểu cảm bất lực tự ti của cô con gái, ai nấy không tránh khỏi cảm giác xót xa thay...
Những tình huống tương tự như vậy vẫn xảy ra bên cạnh chúng ta mỗi ngày.
Nhiều phụ huynh thầm nghĩ trong lòng: "Mình đối xử với con cái tốt đến vậy, muốn gì cũng đáp ứng, sao chúng luôn tỏ vẻ không hài lòng". Đây là nút thắt khó tháo gỡ nhất trong quan hệ cha mẹ - con cái hiện nay. Đứa trẻ uất ức, cha mẹ chán nản. Điểm chung của các bố mẹ trong gia đình này gói gọn trong 4 từ. Đó chính là: Ham muốn kiểm soát.
Trong mắt những cha mẹ này, sự kiểm soát của họ đối với con cái xuyên qua tuổi thơ đến khi trưởng thành là điều đúng đắn. Ngay cả khi con cái kết hôn và có con, trong mắt cha mẹ, chúng vẫn nên được "quản lý".
Sau khi trở thành cha mẹ, chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua một điều: Trái tim của trẻ nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn người lớn. Những đứa trẻ dù nhỏ đều có lòng tự trọng, chúng cũng được hưởng quyền bình đẳng với người lớn về nhân cách.
Nhà tâm lý học người Mỹ James Dubson đã nói: "Có hàng ngàn cách để trẻ em mất lòng tự trọng của mình, nhưng để xây dựng lại lòng tự trọng cho trẻ em là một quá trình chậm chạp và khó khăn".
Có lẽ đứa trẻ còn nhỏ, cho dù cảm nhận mình bị xem nhẹ cũng tạm thời không thể phản kháng gì. Nhưng một ngày nào đó lớn lên, những ký ức tiêu cực này sẽ trở thành một hạt giống, liên tục nảy mầm. Mỗi cảm giác bên trong của đứa trẻ bị bỏ qua, chắc chắn chúng sẽ rơi vào sự nghi ngờ bản thân sâu sắc và chán nản. Dần dần, sẽ trở thành vết sẹo vĩnh viễn trong trái tim của đứa trẻ.
Trong một chương trình, nữ diễn viên Kim Thần (Trung Quốc) từng chia sẻ câu chuyện của mình. Cô kể, cha mình hàng ngày đều tìm mọi cách để hỏi thăm công việc con gái, hết gọi, nhắn rồi còn hỏi qua những người bạn thân của con. Nhưng cha càng quan tâm, cô con gái càng muốn chạy trốn. Kim Thần nói với tổ làm chương trình, đây thậm chí là nỗi ám ảnh lớn nhất của cô. Để tránh sự "quấy rầy" này, Kim Thần thậm chí còn chọn không trả lời tin nhắn, không trả lời điện thoại, chặn cha mẹ trên "vòng tròn bạn bè".
Kim Thần có phải không hiểu tình yêu của cha mình? Tất nhiên là có! Trong chương trình, cô khóc khi bày tỏ tình yêu với người bố của mình. Nhưng cô chỉ không biết làm thế nào để đáp ứng với tình yêu nặng nề này.
Những đứa trẻ ở thời đại hiện nay rất coi trọng sự tự do bên trong. Bước vào tuổi dậy thì, chúng sẽ không cam lòng làm em bé ngoan trong mắt cha mẹ, nói gì nghe nấy. Chúng cần không gian cho bản thân nhiều hơn, và sự can thiệp lo lắng quá mức sẽ chỉ làm cho con cái nghẹt thở. Giữa cha mẹ và con cái cần phải được tách dần ra khỏi mối quan hệ cộng sinh để hoàn toàn độc lập và đối xử dựa trên sự hiểu biết, thấu hiểu lẫn nhau. Một cha mẹ tốt không phải là ở vị trí cao, mà là ngồi xổm xuống và nhìn thế giới bằng con mắt của một đứa trẻ.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý Emily Loeb tại Đại học Virginia, Mỹ, dựa trên 184 trẻ em trong độ tuổi 13 được theo dõi đến năm chúng 32 tuổi.
Thông qua cuộc khảo sát, Emily Loeb nhận thấy: Những đứa trẻ bị cha mẹ kiểm soát thường ít có các mối quan hệ lãng mạn, thành tích học tập và mối quan hệ bạn bè kém. Các tác động tiêu cực kéo dài, ảnh hưởng đến các mối quan hệ, trình độ học vấn của trẻ trong suốt 30 năm đầu đời.
Trong thực tế, không quan trọng đứa trẻ bao nhiêu tuổi, cha mẹ cần tôn trọng ranh giới và suy nghĩ của đứa trẻ. Điều này thực sự khó khăn cho nhiều bậc phụ huynh. Nhưng hãy cố gắng niềm tin, hãy để đứa trẻ "mạo hiểm" những khi cần thiết. Tất nhiên chúng ta sẽ trằn trọc lo lắng, nhưng đó là cảm giác mà khi làm bố làm mẹ, ai rồi cũng cần phải vượt qua.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn