Càng về sau, xu hướng đặt tất cả đồ ăn và rất nhiều đồ đạc khác qua các app mua sắm, càng phổ biến. Không chỉ phát triển ở thành thị mà ở cả các vùng nông thôn, bà con cũng quen dần với sự xuất hiện giao hàng của các shipper. Người ta đã không cần phải có mặt trực tiếp tại nơi mua sắm, chỉ cần ở nhà có chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng internet, là có thể mua từ món đồ làm bếp giá 10 ngàn đồng tới cả thời trang hàng hiệu.
Ở thời bệnh dịch, trong hoàn cảnh không muốn ra nơi chốn đông người tại siêu thị, việc đặt đồ mua qua mạng càng cho thấy sự thuận tiện hơn rất nhiều. Cậu con trai ở nhà học trực tuyến, vì cha mẹ đi làm nên đã chủ động đặt đồ ăn trưa mang tới tận nhà mà không cần phải nấu nướng. Những bữa tiệc sinh nhật của con trẻ, phụ huynh gần như không phải lo tất bật nấu nướng đãi khách như trước đây. Chỉ cần vài cú chạm trên điện thoại, là mọi việc đâu vào đó. Đủ tất cả các món đồ cần thiết, không lo thiếu bất cứ thứ gì, dù khi đó đang là ngày cuối tuần hay trời đã tối.
Ngay kể cả ngoài chợ truyền thống, tiệm bán giò chả và các loại thực phẩm trên con đường trung tâm Q.1, TPHCM, các shipper mặc áo đồng phục của các hãng đứng xếp hàng tới lượt đặt đơn hàng cho các khách yêu cầu. Hình ảnh này trước đây hoàn toàn không hề xuất hiện. Chị em phụ nữ có vẻ "rảnh tay" hơn ở thời nay, khi có sự giúp sức của những app mua dùm này. Ngay kể cả các thương hiệu thịt bò, thịt heo sạch cũng lo sẵn dịch vụ giao hàng cho khách, thậm chí có thời điểm nếu khách mua qua app còn được áp dụng khuyến mãi 10-20%.
Một nếp sinh hoạt khác đã hiện diện và dần thay thế cho việc mua sắm truyền thống của các bà nội trợ. Chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng, sẽ là cầu nối cần thiết giữa bên mua và bán. Nền kinh doanh không tiếp xúc đang trở nên phổ biến và phát triển toàn diện, mạnh mẽ hơn ở thời dịch bệnh.
Vào tháng 3/2020, khi lệnh giãn cách xã hội có hiệu lực trên toàn quốc, Mai - có công việc làm văn phòng tại 1 công ty đặt trụ sở tại Q.Phú Nhuận, TPHCM - đã tạm nghỉ ở nhà. Rảnh rỗi thời gian, cô kết nối với rất nhiều bạn bè qua mạng xã hội và nhận thấy ai cũng có nhu cầu mua món này, món kia cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà không muốn di chuyển ra ngoài. Bạn nào có con nhỏ thì muốn mua các loại văn phòng phẩm, giấy bút. Bạn nào sống độc thân thì mua sắm đủ thứ linh tinh theo sở thích. Vậy là Mai chủ động kết nối với 2 bên: người mua - người bán. Cô chỉ là người đứng ở giữa để đặt hàng. Ban đầu, chỉ là bạn bè thấy cần thiết hoặc đơn thuần vì sự ủng hộ, sau đó thì người này giới thiệu cho người kia, vì giá cả vô cùng cạnh tranh do Mai bỏ thời gian để tìm hiểu tất cả các mặt hàng, nhãn hàng đang khuyến mãi. Công việc tay trái của Mai ngày càng phát triển và phù hợp với xu thế. Mai nói, cô muốn thành lập công ty chuyên các mặt hàng "outlet" để đưa đủ thứ mặt hàng tạp hóa tới với khách hàng của mình thông qua việc đặt hàng trên mạng.
Kinh doanh không tiếp xúc lan rộng đã trở thành nỗi lo sợ của việc buôn bán truyền thống. Ngoài yếu tố do dịch bệnh phải đóng nhiều cửa hàng, giá mặt bằng cho thuê tại nhiều vị trí bị rớt khá nhiều, thì chính kinh doanh không tiếp xúc cũng là tác nhân đẩy giá mặt bằng đi xuống. Người kinh doanh không cần chọn vị trí đẹp tại các căn nhà mặt tiền với giá thuê đắt đỏ, họ chỉ cần thuê 1 địa điểm để tập kết hàng hóa và có nơi chốn để nhân viên nhận đơn đặt qua mạng tới làm việc. Chính vì không phải trả tiền mặt bằng nhiều, nên các loại sản phẩm cũng được hạ giá thành. Điều này cũng tạo ra sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn trong thị trường khiến người tiêu dùng được hưởng lợi.
Ở khía cạnh nhân lực, trong khi các cửa hàng truyền thống khi tuyển nhân viên luôn có yêu cầu "cần có ngoại hình" - tất nhiên ai cũng ngầm hiểu là hình thể không khiếm khuyết, khuôn mặt dễ coi, thì kinh doanh không tiếp xúc chẳng cần các yêu cầu đó. "Ngoại hình" thì ai chẳng có, xấu hay đẹp hình thức không quan trọng với việc không tiếp xúc trực tiếp mặt đối mặt với khách hàng. Chỉ cần bạn năng động, chịu khó, và bất kể ở tuổi tác nào, cũng vẫn tìm được công việc phù hợp.
Xu thế phát triển rộng rãi của kinh doanh không tiếp xúc đã thay đổi nhiều nhận thức trong quản lý và vận hành các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực. Ngay cả giới truyền thông cũng bắt kịp xu thế bằng các app đọc tin tức, hoặc mở shop bán hàng ngay trên tờ báo điện tử. Các tờ báo, tạp chí in cũng có thể phát hành bằng cách cho bạn đọc đặt mua báo qua mạng và chỉ cần sự vận chuyển của các shipper tới địa chỉ yêu cầu. Giống như việc các trang điện tử đang bán sách hiện nay.
Tất nhiên, sự phát triển của cái mới bao giờ cũng đối lập với sự suy tàn của điều đã cũ. Nhưng kinh doanh không tiếp xúc chính là hướng đi đã được chọn lựa của quy luật thị trường mà khó ai có thể can thiệp để bẻ lái. Nếu muốn phát triển, tất cả đều phải thuận theo, để không bị bỏ lại do đi chậm ở phía sau.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn