Để nhận được cái gật đầu của tôi, anh phải mất ít nhất 2 tháng chứng minh: Vai trò con trưởng trong gia đình của anh sẽ không trở thành gánh nặng đối với tôi. Mẹ tôi từng căn vặn: "Mày lấy ai thì lấy nhưng đừng làm dâu trưởng nha con, vất vả cả đời". Tôi luôn khắc cốt ghi tâm câu nói này nên rất nhiều lần hờn dỗi với anh: "Lời nói gió bay, làm sao em tin anh được?". Anh quả quyết: "Em cứ tới nhà anh thường xuyên thì sẽ biết, quan điểm của bố mẹ anh thoáng lắm. Dù anh là con trưởng nhưng trong nhà có đến 3 anh em trai, đứa nào cũng lớn rồi, công việc gia đình sẽ chia đều cho tất cả".
Nói là làm, anh đưa tôi về nhà để mục sở thị những gì anh nói. Bố mẹ anh cư xử rất nhẹ nhàng, hòa nhã với tôi. Có hôm "đẹp trời", cả 3 nàng dâu tương lai đều tề tựu đông đủ, mẹ anh nói vui: "3 nàng dâu vào đây mẹ giao việc nào". Nếu tôi vo gạo, nấu cơm và nhặt rau thì bạn gái của chú Hai đảm nhiệm các món ăn phụ, bạn gái chú út phải dọn dẹp, rửa bát, còn mẹ anh đảm nhiệm các món chính. Nói chung ai cũng có việc để làm và được phân chia rất công bằng. Vừa nhặt rau, tôi vừa quan sát các "mày râu" trong nhà, thì ra họ cũng được phân việc cụ thể, bố chồng tương lai của tôi cũng tự giao việc cho mình. Ai làm việc của người ấy với thái độ vô cùng vui vẻ.
Bác chồng luôn "giáo huấn" tôi về trách nhiệm của một dâu trưởng trong gia đình (Ảnh minh họa)
Tôi đem những gì mắt thấy tai nghe về kể với mẹ mình và cố gắng thuyết phục bà đồng ý đám cưới của tôi. Sau một hồi suy nghĩ, cuối cùng bà đã gật đầu. Đám cưới nhanh chóng diễn ra sau đó. Chồng tôi tự mua căn hộ riêng nên chúng tôi được tự do sống riêng ngay lập tức. Bố mẹ anh cũng không có ý giữ vợ chồng tôi ở nhà cùng ông bà. Họ còn bảo: "Xuất được đứa nào hay đứa ấy, sau này thằng Hai và thằng út cũng thế nhé". Đúng là tôi không có gì phải phàn nàn về bố mẹ chồng, họ coi tôi như con gái.
Song, "sự nghiệp" làm dâu không được trải thảm hồng như tôi từng nghĩ... Những dịp nghỉ lễ hoặc nhà có giỗ, vợ chồng tôi đều về "điểm danh" từ rất sớm. Tuy nhiên, có một nhân vật xuất hiện trước cả chúng tôi, đó chính là bác cả. Lần nào nhìn thấy tôi, bác cũng gọi: "Vợ thằng Tân lên đây bác nói chuyện". Tôi chạy lên nhà, rót nước mời bác và ngoan ngoãn tiếp chuyện, bác cầm chén lên nhưng không uống mà chỉ chẹp miệng: "Các cháu phải tính đi chứ, thằng Tân là con trưởng nên việc sinh con giai cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của nó". Tôi cười: "Bác ơi, vợ chồng cháu không tính toán chuyện sinh con trai hay con gái đâu ạ. Bố mẹ cháu cũng nói thế". Không ngờ bác quắc mắt lên: "Quý cháu nên bác mới nói, nhưng cháu là dâu trưởng mà phát biểu như thế là không được! Cháu xem, con gái bác cũng phải đi làm dâu trưởng nhà người ta đấy. Bác dạy nó là phải cố bằng được một thằng "đít nhôm", có như thế cuộc sống mới trọn vẹn và hạnh phúc. Nó nghe lời bác nên "cố" đứa thứ 3 lại được con giai, thế có sướng không cơ chứ!".
Lần nào cũng vậy, cứ đến nhà tôi chơi là bác lại bắt tôi diện kiến. Không chỉ truyền cho tôi quan điểm sống, bác còn đọc bài thơ "10 sướng" mà bác tự sáng tác rồi bắt tôi phải tìm ra cái sướng bác tâm đắc nhất. Tôi bảo: "Cháu chịu" thì bác cười ha hả: "Bác nói cháu nghe, cái sướng quan trọng nhất chính là con cháu đề huề, có nếp có tẻ". Sau đó, bác lại đề cập tới vấn đề đầy định kiến giới: "Thế cháu với thằng Tân bao giờ mới chịu sinh thằng đít nhôm?".
Thời gian đầu, tôi kiên nhẫn ngồi nghe bác nói rồi gật gù cho xong chuyện nhưng sau đó, chính mẹ chồng tôi cũng khó chịu. Bà dặn: "Bác ấy già rồi, lại nhiều chuyện nên con nghe tai này rồi cho ra tai kia nhé. Ngày xưa mẹ cũng bị bác ấy tra tấn mãi". Những lần sau đó, tôi cố ý tránh bác, bác ngồi dưới tầng 1 uống nước chè thì tôi cứ ru rú ở tầng 2, nhất định không xuống.
Không ngờ bác vẫn nói vọng lên: "Ơ, cháu sợ bác đọc thơ hay sao mà tránh bác thế? Bác chỉ nói điều hay điều tốt cho các cháu hiểu thôi mà. Con trẻ bây giờ lạ thật! Không chịu nghe lời người lớn thì sau này về già mới thấm, khổ lắm chứ không sung sướng gì đâu cháu ạ".