Theo các chuyên gia tâm lý, việc bạo hành, đánh đập trẻ em thực chất là những hành vi ứng xử tiêu cực trong những tình huống vượt quá khả năng ứng phó của người khi chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Về mặt tâm lý thì khi thực hiện hành vi bạo hành là lúc người chăm sóc đang rơi vào trạng thái căng thẳng về mặt tâm lý (stress), dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức, cảm xúc và hành vi. Và họ không còn tỉnh táo để suy xét xem việc làm đó của mình đúng sai thế nào có hậu quả nguy hiểm thế nào.
Chị Thanh Thúy (30 tuổi, Trại Găng, Hà Nội): Người giúp việc phải là người yêu trẻ con
Trẻ con thường quấy khóc nhiều, hay phiền phức nên nhiều khi bố mẹ còn chẳng chịu nổi nữa là giúp việc. Vì thế, theo mình, khi lựa chọn giúp việc, yếu tố đầu tiên là phải chọn người yêu trẻ. Có như vậy, họ mới biết cách dỗ dành bé.
Để nhận biết được người giúp việc có yêu thương con mình không, cha mẹ hoàn toàn có thể nhận ra bằng việc nhìn vào ánh mắt của họ khi họ chăm con.
Khi lựa chọn giúp việc trông trẻ thì yếu tố quan trọng nhất, họ phải là người yêu trẻ. Ảnh minh họa: giupviectaman |
Anh Trương Xuân Nghĩa (Nghi Tàm, Hà Nội): Nắm rõ sức khỏe, lai lịch của người giúp việc
Những người bị bệnh lây nhiễm, có vấn đề về tâm lý, tim mạch, huyết áp cao... thì tuyệt đối không được lựa chọn để chăm sóc trẻ. Ngoài ra, những người mắc bệnh về da như chốc lở, zona, hắc lào, mụn cóc... cũng không nên trông giữ trẻ bởi những bệnh này không nguy hiểm nhưng khả năng lây nhiễm cao.
Với giúp việc nhà tôi, tôi đã phải về tận quê của chị ấy điều tra lai lịch rất rõ ràng như quê quán, hoàn cảnh gia đình, thành phần gia đình… Khi biết rõ những điều này, bạn cũng phần nào hiểu được về con người họ.
Bích Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội): Kiến thức và cách ứng xử của người giúp việc
Một người giúp việc phải có kiến thức cơ bản về chăm trẻ như cách cho trẻ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh…, xử lý được các tình huống khẩn cấp khi bạn không có nhà như trẻ nôn, sặc, sốt...; phải nhớ được các số điện thoại khẩn cấp như 113, 114.
Cách cư xử của người giúp việc ảnh hưởng nhiều tới tính cách của bé. Khi người giúp việc có cách cư xử tốt thì cha mẹ mới yên tâm giao con cho người này chăm sóc dạy dỗ.
Vụ việc bé trai 3 tuổi ở Hà Nội bị giúp việc bóp miệng, cho sặc nước khi tắm |
Quang Hà (35 tuổi, phố Bạch Mai): Không tuyệt đối tin tưởng, tạo nhiều kênh tiếp cận
Hãy nhớ rằng, người giúp việc chỉ là người làm thuê để được trả tiền lương. Đừng bao giờ mất cảnh giác.
Bạn hãy lắp camera tại những nơi trẻ thường xuyên sinh hoạt với người giúp việc như chỗ ngủ, nơi ăn uống, khu vực vui chơi... tuy nhiên, tuyệt đối không để giúp việc biết được điều này. Và bạn có thể theo dõi con mình ngay khi bạn đang ở công sở.
Qua những lần gọi điện hỏi thăm giữa giờ, bạn cũng sẽ nắm được tình hình trẻ ở nhà. Tuy nhiên, đừng tạo cho người giúp việc có cảm giác họ đang bị giám sát vì không ai muốn bị như thế cả. Hãy khéo léo để họ nghĩ rằng sự quan tâm của mình với đứa trẻ là chính đáng.
Hãy nhờ hàng xóm xung quanh để ý mỗi khi người giúp việc bế con bạn ra ngoài chơi. Bạn nên giới hạn cho họ phạm vi có thể đi cùng con bạn. Hàng xóm sẽ báo cho nếu con bạn bị đưa ra khỏi nơi được giới hạn.
Bé trai 8 tháng tuổi ở Bình Thuận bị bảo mẫu nắm cẳng chân, xốc ngược đầu |
Hoa Lan (45 tuổi, Quán Thánh, Hà Nội): Đối xử với người giúp việc như người thân
Khi đã giao phó con cho một người lạ, hãy nên đối xử với họ theo cách mà bạn muốn họ đối xử với con bạn. Nên để cho người giúp việc có cảm giác thân thuộc như gia đình của mình. Họ sẽ có cảm giác gắn bó và sẽ có trách nhiệm hơn như chăm sóc đứa cháu của mình vậy. Không ít trường hợp các gia đình bạn bè của tôi, vì phẫn nộ với cách đối xử của nhà chủ mà giúp việc tìm cách trút giận lên trẻ nhỏ trong nhà.
Thanh Lan (Đội Cấn): Không giao phó con cho giúp việc
Gia đình hàng xóm nhà tôi, bố mẹ là người gốc Hà Nội nhưng con lại nói giọng của tỉnh khác. Đó là do bố mẹ đi làm từ sớm con chưa dậy, lúc về thì con ngủ rồi. Trẻ ở nhà và nói chuyện với người giúp việc nhiều hơn bố mẹ nên sẽ nói theo giọng vùng miền của họ. Thậm chí, nhà người bà con của tôi còn tệ hơn là con ăn, ngủ với người giúp việc chứ không chịu theo bố mẹ.
Phan Thành (TP.HCM): Dạy con ứng phó
Nếu trẻ lớn hơn 3 tuổi bạn có thể dạy con một số kỹ năng ứng phó. Ví dụ nếu người giúp việc đưa trẻ đi đến nơi trẻ không biết, trẻ phải la lớn lên, tìm cách bỏ chạy đến nơi có nhiều người hoặc tìm cách gọi điện cho bố mẹ. Bạn nên đeo cho bé một dây chuyền có thẻ khắc tên của bé và các thông tin liên hệ về địa chỉ nhà, số điện thoại của bố mẹ.