Kinh nghiệm của cô gái từng mua 3 căn nhà: Kỷ luật khi quản lý tài chính

22:53 | 04/09/2022;
“Biết số tiền nợ phải trả ngân hàng hàng tháng, mình đã nghiêm túc lên kế hoạch để kiểm soát tài chính cá nhân”, Thuỳ Dung chia sẻ 1 trong những thói quen tiền bạc đã thay đổi từ khi mua nhà.

Thuỳ Dung, 31 tuổi, nhưng đã có kinh nghiệm mua 3 căn nhà. Trong đó, có căn đầu tiên mua cho bố mẹ và 2 căn sau do bản thân cô mua và đứng tên giấy tờ. Thuỳ Dung chia sẻ rằng mua nhà cũng cần 1 chút liều và may mắn. Tuy nhiên, quá trình tích lũy tiền bạc, lên kế hoạch và thay đổi thói quen chi tiêu sau đó lại cần đến sức mạnh của kỷ luật.

Cùng gặp Thuỳ Dung và tìm hiểu bí quyết tài chính cũng như quan điểm mua nhà của cô gái 31 tuổi này.

Kinh nghiệm của cô gái từng mua 3 căn nhà: Phải biết mình mua để làm gì, kỷ luật khi quản lý tài chính - Ảnh 1.

Thuỳ Dung

Xin chào Thuỳ Dung,

Bạn mua căn nhà đầu tiên vào lúc bao nhiêu tuổi, và tại sao ở thời điểm đó lại đưa ra quyết định này?

Mình mua căn nhà đầu tiên vào năm 2019, tức là 3 năm trước đây lúc 28 tuổi, mình đã đi làm 5-6 năm và tiết kiệm được khoảng gần 300 triệu. Thời điểm đó, bố mẹ mình lúc ấy ở một căn nhà tập thể cũ cấp 4 cùng bà nội và em trai ở dải đất miền Trung mưa liên miên, ngập lụt nhiều. Do vậy, mình quyết định mua nhà trả góp để gia đình có chỗ ở tốt hơn. Bố mình hỗ trợ một ít để đủ tiền đặt cọc nhà và sắm nội thất cơ bản ban đầu.

Căn nhà đầu tiên giá trị 870 triệu đồng với diện tích 73m2 ở thành phố Vinh. Thật ra, mình chỉ là người quyết định chứ không phải trả toàn bộ số tiền mua nhà. Sau khi đóng góp gần 40% giá trị căn hộ đầu tiên thì mình cũng đã để căn nhà ấy cho em trai mình đứng tên, và em trai mình là người sẽ trả nốt số tiền còn lại.

Căn nhà thứ 2 mình mua và cũng là căn đầu tiên đứng tên sở hữu là căn hộ dạng studio với diện tích 31,6m2, giá trị 1 tỷ 150 triệu đồng. Căn thứ 3 chồng cùng mình đứng tên, mua 2,7 tỷ với diện tích 54,6m2, cả 2 căn đều ở Hà Nội.

Mục đích mua nhà của bạn đã thay đổi như thế nào theo thời gian?

Có lẽ là sự chuyển đổi từ việc mua nhà cho bố mẹ sang cho chính bản thân mình. Đối với căn nhà thứ 2, mình mua sau căn nhà thứ nhất 1 năm, công việc năm đó mình làm cũng thuận lợi nên tài chính mình cũng khá dư dả. Đó cũng là thời điểm đánh dầu gần 10 năm ở trọ, mình thấy bản thân nên có một nơi ở cho riêng mình nên mình tìm hiểu các dự án chung cư với chủ đầu tư uy tín.

Với tầm tài chính khoảng gần 450 triệu đồng, mình đã có thể sở hữu được 1 căn studio ở Vinhomes nên lúc đó mình suy nghĩ nhiều mà đặt cọc luôn. Căn nhà mình mua hơn 1,1 tỷ đồng, số tiền mình tiết kiệm đủ để đáp ứng 30% tiền đặt cọc và nội thất cơ bản .

Mua nhà cũng cần 1 chút liều lĩnh và may mắn. Lúc đó, mỗi tháng chỉ cần trả góp khoảng 6-7 triệu đồng, mình thấy trong khả năng nên chốt luôn. Thời điểm đó mua nhà Vinhomes còn được ân hạn nợ gốc lên đến 12 tháng tức là chưa phải trả gốc và lãi ngay, mình có thể tiết kiệm 1 khoản lớn lớn để trả trước thời điểm bắt đầu trả lãi, cũng giảm được kha khá tiền rồi. Với căn thứ 3 này, mình đang tính bán căn studio (căn thứ 2) để lấy tiền đóng thêm vào căn hiện tại, để giảm số tiền phải trả góp xuống.

Hình ảnh căn hộ thứ 2 của Thuỳ Dung. Căn nhà thứ 3 vẫn đang trong quá trình bàn giao và hoàn thiện.

Tiêu chí lựa chọn nhà của bạn có gì thay đổi từ căn 1 đến căn 3 hay không?

Tiêu chí với căn nhà đầu tiên đến căn nhà thứ 3 thay đổi khá nhiều. Đối với căn nhà đầu tiên, mình đơn giản chỉ muốn có 1 ngôi nhà ở cho bố mẹ mình, sạch sẽ và rộng rãi đủ cho 4 người ở.

Đến căn nhà thứ 2 của mình, mình cũng muốn mua 1 căn nhà đủ để che nắng che mưa ở Hà Nội. Nhưng đến căn nhà hiện tại, do mình đã lập gia đình nên tiêu chí mình chọn đã khác hơn, mình muốn 1 căn hộ cao cấp và tiện nghi hơn, rộng rãi hơn vì có thêm cả em bé nữa, cần nơi ở có dịch vụ nhà tốt hơn và riêng tư hơn.

Sau khi mua 3 căn nhà, bạn nghĩ rằng điều kiện tiên quyết để quyết định mua thêm 1 căn nhà là gì?

Mình nghĩ yếu tố tiên quyết là bạn mua nhà để làm gì. Nếu đến từ đầu tư sinh lời, mình sẽ ưu tiên chọn những dự án tiềm năng, mới mở bán và có chủ đầu tư uy tín để mua và sau đó có thể dễ dàng bán lại. Còn nếu mua thêm để ở thì có thể mình sẽ chọn căn rộng hơn, khoảng 3 phòng ngủ tầm 100m2 và ở phân khu cao cấp hơn phân khu hiện tại.

Có ý kiến nhà là tiêu sản, nhiều người cho rằng dành tiền đầu tư "tiền đẻ ra tiền" thay vì mua nhà. Quan điểm của bạn về vấn đề này ra sao?

Mình nghĩ tuỳ vào mong muốn và mục đích mỗi người để nhận định về việc "nhà là tiêu sản hay tài sản". Mình thấy việc mua nhà đã là động lực to lớn giúp bản thân kỷ luật hơn trong quản lý tài chính cá nhân.

Trước đây, khi chưa mua nhà, sống độc thân, dù có thu nhập ổn định, chi tiêu không khoa học, mua sắm theo cảm xúc nên đôi lúc khá hối hận với những quyết định tiêu tiền thay vì tiết kiệm của bản thân. Từ lúc mua nhà, biết số tiền nợ phải trả ngân hàng hàng tháng, mình đã nghiêm túc lên kế hoạch để kiểm soát tài chính cá nhân. Chẳng hạn, liệt kê những chi phí hàng tháng, phân chia thu nhập thành nhiều khoản khác nhau và cho phép bản thân chỉ được chi tiêu trong một khoản tiền nhất định để tiết kiệm trả nợ nhà được nhanh nhất. Thói quen này đã giúp mình nghiêm túc và kỷ luật trong chi tiêu và tiết kiệm hơn rất nhiều so với trước đây.

Kinh nghiệm của cô gái từng mua 3 căn nhà: Phải biết mình mua để làm gì, kỷ luật khi quản lý tài chính - Ảnh 3.

Bạn có bí quyết tài chính để mua 3 căn nhà khi còn trẻ như vậy không?

Đầu tiên, như mình đã đề cập ở trên phải có kế hoạch chi tiêu hàng ngày cụ thể và biết tình trạng tài chính của bản thân như thế nào. Sau đó, mình đã đặt ra mục tiêu tiết kiệm, ví dụ một năm mình phải tiết kiệm được 300 triệu chẳng hạn, chia ra cụ thể mỗi tháng phải tích luỹ được bao nhiêu.

Thực ra vì sống 1 mình, mình cũng không có nhu cầu chi tiêu quá nhiều, 2 năm dịch bệnh hạn chế đi lại, ăn uống, tụ tập mình cũng tiết kiệm được kha khá. Bên cạnh đó, mình cũng sẽ lên các hạng mục cần mua trong tháng rồi sẽ săn mã giảm giá trên các trang thương mại điện tử để có mức chiết khấu tốt nhất.

Mình cũng mua và đọc khá nhiều sách về tài chính để bổ sung kiến thức, theo dõi khá nhiều kênh YouTube và TikTok để học hỏi từ những người đã thành công đi trước. Nói chung, hãy kiểm soát mua sắm, nghiêm túc đi theo kế hoạch tiết kiệm đã đề ra và cải thiện kiến thức tài chính cho bản thân.

Kinh nghiệm của cô gái từng mua 3 căn nhà: Phải biết mình mua để làm gì, kỷ luật khi quản lý tài chính - Ảnh 4.

Đối với những người đang chuẩn bị mua nhà, bạn có lời khuyên gì cho họ?

Mình nghĩ đầu tiên các bạn nên hiểu rõ nhu cầu của bản thân khi sở hữu một căn nhà. Ví dụ, bạn có cần nhà gần chỗ làm việc không, môi trường sống bạn muốn ra sao, khả năng tài chính của bạn để mua nhà như thế nào, bạn đã có kế hoạch trả nợ chi tiết trong ít nhất 3-5 năm tới hay chưa,... Vì mua nhà là một việc lớn nên mình cần tìm hiểu cẩn thận những thông tin bên ngoài và cả tình hình tài chính của bản thân để không bị áp lực quá khi mua nó.

Xin cảm ơn Thuỳ Dung vì những chia sẻ!

Ảnh: NVCC

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn