Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu kể lại hành trình cùng con gái Minh Khuê giành học bổng hơn 8 tỷ đồng từ Đại học Harvard của người mẹ Hồ Thị Hải Âu. Sách do NXB Dân trí và Tân Việt Books phát hành phiên bản mới vào tháng 10/2024 với mong muốn gửi gắm đến các bà mẹ hiện đại phương pháp đồng hành cùng con.
Hơn 700 trang sách mở đầu bằng sự hồi tưởng của tác giả về "thứ 6 ngày 13" - ngày mà trường Harvard thông báo kết quả tuyển sinh đợt Early Decision (ED) vào lúc 3 giờ chiều theo giờ Massachusetts, Mỹ (tức là 3 giờ sáng ngày 14/12 theo giờ Hà Nội). Tác giả cố gắng tỏ ra bình thản vì biết con gái Minh Khuê của mình đang rất hồi hộp, lo âu và căng thẳng.
Đã luôn bên con gái, nhiều lần bên con những khi con đối diện với vô số cuộc thi, trước thời khắc nhận kết quả, bà đều nói với con: "Chúng ta đã lao động rất chăm chỉ. Chúng ta đã nỗ lực từng giây, từng khắc. Chúng ta đã làm tất cả! Bây giờ, dù kết quả thế nào, chúng ta cũng rất đáng tự hào về bản thân, con ạ! Hạnh phúc - không chỉ là kết quả khi cán đích, mà còn là cảm nhận tự tôn bản thân trên từng chặng hành trình, phải không con?".
3 giờ sáng, kết quả bắt đầu được thông báo đến các thí sinh. Khi hòm thư điện tử của Minh Khuê báo "Có thư" của trường Harvard kèm nội dung in đậm: Chúc mừng Khuê Lã đã trúng tuyển vào Harvard University! Hai mẹ con ôm nhau, lặng lẽ để những giọt nước mắt chảy trên má.
Ngày con gái được trường Harvard nhận với suất học bổng đáng mơ ước, nhiều người khuyên người mẹ Hồ Thị Hải Âu này nên viết một cuốn sách tựa như Em phải đến Harvard học kinh tế của Lưu Vệ Hoa, hay Khúc chiến ca của mẹ Hổ của Amy Chua. Và cuối cùng, sau một thời gian cân nhắc, chị lựa chọn viết nên cuốn sách hơn 700 trang với tựa đề Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu.
Tên gọi của từng chương cũng chính là lời gan ruột và kinh nghiệm đúc kết quý báu của người mẹ Hồ Thị Hải Âu dành tặng con gái và những người đã, đang, hoặc sẽ làm mẹ: Học cách tư duy toàn vẹn; Quy luật sinh tồn tự nhiên, hệ xương sống của triết lý dạy con sáng suốt; 18 năm kim cương; Học để tăng cường tố chất chứ không học vì có tố chất mới học; Giáo dục giới tính bắt đầu từ 0 tuổi; Thực dưỡng và câu chuyện ước mơ bay xa; Ngày nào cũng là ngày của mẹ.
Theo tác giả, trên chặng đường làm mẹ, cần tâm niệm những "triết lý giáo dục" như: Giáo dục gia đình là nền tảng; dạy để tăng cường tố chất cho trẻ chứ không vì có tố chất mới dạy. Hay "nếu bạn chắc chắn rằng bạn đã luôn đồng hành bên đứa trẻ của bạn cho đến khi nó 18 tuổi, thế thì bạn hoàn toàn không phải lo nghĩ về tương lai của nó", hoặc "không có bất cứ nền giáo dục phổ cập nào hoàn toàn khớp và hoàn hảo với đứa trẻ của bạn, dù đó là nền giáo dục Anh, Mỹ, Nhật hay Do Thái…, đó là lý do để khẳng định giáo dục gia đình phải là trụ cột, luôn quan trọng và mang tính quyết định đến an vui và thành tựu trên hành trình trưởng thành của đứa trẻ"…
Sau cùng, sự thành công trên chặng đường đồng hành cùng con để con biết "bước cùng toàn cầu" không phải là suất học bổng danh giá của Đại học Harvard, mà là sự tự tin, hạnh phúc và trưởng thành của con.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn