Kinh nghiệm giải quyết các vụ xâm hại phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng

14:45 | 30/12/2022;
Đấu tranh với các tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là hoạt động vô cùng khó khăn và cần sự chung tay vào cuộc của nhiều cơ quan và các cấp.

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết các vụ việc xâm hại bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng do Hội LHPN Hà Nội vừa tổ chức, các chuyên gia đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, bàn luận về các giải pháp để giải quyết các vụ xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho những đối tượng này.

Chủ tịch Hội LHPN Công an thành phố Hà Nội Vũ Thị Kim Yến cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, Công an thành phố đã phát hiện 72 vụ, 87 đối tượng xâm hại, bạo lực trẻ em, tăng 10 vụ so với năm 2021. Các vụ việc phần lớn xảy ra ở các huyện, xã. Nhiều vụ việc đang được điều tra, xử lý.

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vụ xâm hại phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội chủ trì hội nghị

Đề cập đến các biện pháp bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em ở nơi công cộng tại địa phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ứng Hòa Phạm Thúy Hòa cho biết, với chủ đề hằng năm "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", các cấp hội của huyện đã tổ chức 87 cuộc tuyên truyền kiến thức pháp luật cho hơn 9.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ; phối hợp tổ chức 8 buổi tập huấn cho hơn 1.000 em học sinh về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tổ chức trợ giúp pháp lý cho các trường hợp phụ nữ yếu thế, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Qua đó, giúp hội viên phụ nữ, cha mẹ và các em học sinh nâng cao nhận thức về pháp luật, hiểu biết về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vụ xâm hại phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Anh - Phó Trưởng Phòng LĐTB&XH quận Thanh Xuân

Bà Nguyễn Thị Anh - Phó Trưởng Phòng LĐTB&XH quận Thanh Xuân cho hay, quận Thanh Xuân đã đa dạng hóa các hình thức và nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhân dân. Nắm bắt kịp thời, lựa chọn vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em để giám sát quá trình giải quyết vụ việc và việc thực thi pháp luật về bảo vệ phụ nữ, trẻ em; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền và UBND phường nơi xảy ra vụ việc để tiếp cận, nắm thông tin và theo dõi tiến trình giải quyết vụ việc. Cùng với đó, tăng cường kết nối, phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý, các chuyên gia trong lĩnh vực luật và giới để tư vấn, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bảo đảm các vụ việc được giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật. Phối hợp với các cơ quan liên quan, gia đình, nhà trường và xã hội trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm hại, bạo lực cho phụ nữ và trẻ em…

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Phó Trưởng Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội) cho hay, đấu tranh với các tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là hoạt động vô cùng khó khăn, khó ở nhiều phương diện, từ thu thập tài liệu, chứng cứ, từ công tác giám định và ngay từ chính phía bị hại và gia đình bị hại. Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, gia đình biết nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết, do lo sợ ảnh hưởng đến tương lai của các cháu, dẫn đến trình báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng... nên đã vô tình tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết, chối bỏ trách nhiệm.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) đề xuất, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, đặc biệt ở các huyện xa trung tâm, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh, bởi tại các khu vực đó, học sinh có sự hiểu biết pháp luật kém hơn. Ngoài ra, đối với các vụ việc xâm hại trẻ em, các gia đình cần đề nghị luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý.

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vụ xâm hại phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng - Ảnh 3.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Hội LHPN Hà Nội cho biết, trong năm 2023, Hội LHPN Hà Nội sẽ khảo sát nhu cầu, tổ chức các cuộc trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ tại các địa bàn xa trung tâm, ít được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp xây dựng mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại cấp thành phố. Tích cực tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến phản biện xã hội vào dự thảo các văn bản pháp luật về những vấn đề liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn