Kinh nghiệm giúp du học sinh vượt qua trầm cảm

23:04 | 26/05/2019;
Với thâm niên 10 năm du học, ThS. Quỳnh Nguyễn, tốt nghiệp ngành Tâm lý giáo dục tại Mỹ chia sẻ, bản thân anh cũng từng trải qua những giai đoạn cảm thấy trống rỗng, sáng ra không muốn rời khỏi giường, không muốn học...
1.jpg
ThS Quỳnh Nguyễn: Nếu có những dấu hiệu như mất hết hứng thú, không muốn trò chuyện với ai, không muốn thức dậy vào mỗi sáng trong khoảng 2 tuần… là phải nghĩ ngay tới dấu hiệu của trầm cảm - Ảnh minh họa

 

“Du học là cơ hội tuyệt vời nhưng không phải nấc thang đến thiên đường, nhất là ở Mỹ. Có thời gian, những người bạn thân thiết của tôi bỗng dưng biến mất. Sau này, tôi mới biết các bạn trải qua khó khăn trong quá trình du học. Có những bạn không vượt qua được áp lực, đã phải quay về Việt Nam”- ThS Quỳnh Nguyễn chia sẻ- “Bản thân tôi cũng có giai đoạn cảm thấy trống rỗng, không biết mình bị làm sao, không muốn ra khỏi giường, không muốn học. Tôi chọn cách không làm gì cả, nằm xem phim cho qua ngày. Sau này, tôi cảm thấy đáng tiếc vì khi mọi chuyện xảy ra đã không tìm sự trợ giúp, không trò chuyện với giáo viên hay bạn bè để có thể bình tâm trở lại”.

Theo ThS. Quỳnh Nguyễn, có một khảo sát cho thấy có tới 40% sinh viên quốc tế tại Mỹ có dấu hiệu trầm cảm và chỉ có 4% trong số này tìm kiếm sự hỗ trợ. “Du học sinh Việt Nam khi gặp vấn đề không tìm sự trợ giúp vì có thói quen giữ kín cảm xúc của mình, không để những người xung quanh buồn theo mình. Điều này rất nguy hiểm bởi sự đơn độc là một trong những lý do lớn nhất khiến du học sinh dễ bị trầm cảm. Các du học sinh gặp khá nhiều khó khăn ở môi trường mới, không có bạn bè xung quanh, không có người thân bên cạnh và áp lực từ gia đình đã tạo ra khoảng cách giữa các phụ huynh và con, đôi khi là nguyên nhân đẩy du học sinh vào góc tối.”

Từ kinh nghiệm của bản thân và kiến thức có được từ ngành học, ThS Quỳnh Nguyễn khẳng định, trong cuộc sống không ai tránh được nỗi buồn, nhưng nếu có những dấu hiệu như mất hết hứng thú, không muốn đi lại, làm việc, không muốn trò chuyện với ai, không muốn thức dậy vào mỗi sáng trong khoảng 2 tuần hoặc mất ngủ/ngủ quá nhiều… là phải nghĩ ngay tới dấu hiệu của trầm cảm. “Khi đó, các du học sinh nên tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, giáo viên hoặc các chuyên gia tâm lý- trường nào ở nước ngoài cũng có trung tâm tư vấn.”

2.jpg
Sự trợ giúp lớn nhất từ cha mẹ là trang bị cho con các kỹ năng cần thiết trước khi du học - Ảnh minh họa

 

ThS. Quỳnh Nguyễn cũng gợi ý du học sinh Việt Nam khi gặp khó khăn có thể thoát ra bằng một số cách sau:

Chủ động trong học tập bởi sinh viên nước ngoài không hiểu sẽ lập tức hỏi giáo viên, còn sinh viên Việt Nam chỉ ngồi im, không hỏi, điều này sẽ khiến họ gặp khó khăn trong việc đạt kết quả.

Tìm các câu lạc bộ sinh viên quốc tế để giao lưu, kết bạn với các du học sinh đến từ châu Á, Việt Nam…

Về phía các phụ huynh, sự trợ giúp lớn nhất từ cha mẹ là trang bị cho con các kỹ năng cần thiết trước khi du học. Khi con gặp khó khăn, cha mẹ nên để con tự giải quyết, không làm hộ, chỉ ở bên cạnh hỗ trợ. Đi du học, con phải tự lập trong mọi chuyện, không thể ỉ lại vào ai. Nếu không có kỹ năng tự giải quyết vấn đề, con sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn, đây là lý do dễ khiến con rơi vào trầm cảm.

Công nghệ thông tin rất phát triển, các phụ huynh nên duy trì việc nhắn tin trò chuyện với con mỗi ngày, có thể chỉ cần hỏi thăm vài câu, gửi ảnh cho con…

Trong mỗi cuộc trò chuyện, cha mẹ nên lắng nghe thay vì tạo áp lực mỗi khi nghe con nói và mong con sống theo những gì mình đã lập trình. Điều này đã khiến nhiều bạn trẻ đi du học về vẫn không biết nên làm gì, sống vì cái gì.

“Cha mẹ làm ngân hàng nên muốn con học về tài chính. Trong khi tôi lại chọn học tâm lý và quyết tâm theo đuổi ngành này. Hiện tại cha mẹ tôi đã ủng hộ lựa chọn của con và nhận ra tài chính cạnh tranh cao, còn học tâm lý thì đường rộng thênh thang, không lo thiếu việc”- ThS Quỳnh Nguyễn bày tỏ.

Các du học sinh nên chơi thể thao để có thể giải tỏa lo lắng, nỗi buồn…

Hầu hết các trường đại học đều có trung tâm hỗ trợ sức khỏe, trung tâm tư vấn… bởi trầm cảm không chỉ là vấn đề với du học sinh quốc tế mà cả sinh viên Mỹ cũng gặp phải. Người Mỹ coi việc gặp chuyên gia tâm lý là chuyện bình thường, như thể bạn bị cảm mạo. Trường đại học nào cũng có trợ giúp đặc biệt cho những sinh viên đang gặp vấn đề về tâm lý (có người chép bài hộ/cho thêm thời gian làm bài tập/thi). Tuy nhiên, sinh viên phải chủ động tìm đến và dũng cảm nói ra vấn đề mình đang gặp phải.

“Mỗi khi cảm thấy đang lo lắng quá, tiêu cực quá tôi dành ra 2-3 phút tập trung hít thở để cảm thấy thoải mái hơn, bình tĩnh lại. Phương pháp này cũng giúp mình thay đổi suy nghĩ, mọi chuyện đều có thể thay đổi, không có gì là mãi mãi”- ThS Quỳnh Nguyễn chia sẻ về cách vượt qua những cảm xúc tiêu cực.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn