Kinh nghiệm thế giới trong phòng chống bạo lực học đường

12:32 | 17/04/2019;
Bạo lực học đường là một trong những vấn đề của toàn cầu, với nhiều biểu hiện phức tạp, từ bạo lực thể chất, bạo lực tâm lý, bắt nạt trực tuyến... PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ một số kinh nghiệm chống bạo lực học đường trên thế giới.

10 học sinh có 7 em là nạn nhân bạo lực học đường

Theo số liệu của UNESCO (năm 2017) tỉ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường hàng năm lên đến 246 triệu người trên toàn thế giới. Số liệu của Plan International và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát trên 5 quốc gia là Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy cứ 10 học sinh thì có 7 em từng trải nghiệm bạo lực học đường.

Tại Nhật Bản, khảo sát năm 2016 của Bộ GD&ĐT nước này cho thấy số vụ bắt nạt ở cấp tiểu học và trung học tăng lên mức kỷ lục là 224.540 trường hợp, tăng hơn 36.400 trường hợp so với năm 2015. Còn tại Hàn Quốc, theo khảo sát được thực hiện bởi Quỹ Phòng chống bạo lực thanh thiếu niên Hàn Quốc (vào tháng 11 và 12 năm 2009) có đến 22% học sinh tiểu học và THCS bị bắt nạt ở trường. Cho đến năm 2016, số lượng học sinh tiểu học bị bạo lực học đường chiếm đến 67% số các vụ bạo lực học đường.

 

230413-1600x1067-violence_in_school.jpg
Bạo lực học đường ngày càng biến tướng. Ảnh: Lovetoknow.com

Trước thực trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới đã triển khai các giải pháp chương trình chiến lược quốc gia về vấn đề này. Đơn cử như Hàn Quốc đã ban hành luật chống bạo lực và bắt nạt học đường vào năm 2004; hay Philippine cũng ban hành đạo luật chống bắt nạt (2016) đề cập đến cả bắt nạt truyền thống và bắt nạt trực tuyến, Australia có Khung chuẩn quốc gia về trường học an toàn (2004); hay Thụy Điển có Luật chống phân biệt (2009) và Luật giáo dục sửa đổi (2010) cấm tất cả các hình thức phân biệt và bắt nạt ở trường học. Đạo luật số 20,536 về bạo lực học đường trong Luật giáo dục của Chile (2011); Singapore có đạo luật phòng chống quấy rối...

Mô hình phòng chống bạo lực dựa vào trường học

Trường học được xem là địa bàn hạt nhân để triển khai các chính sách phòng chống bạo lực học đường. Theo WHO , một mô hình phòng chống bạo lực dựa vào trường học có hiệu quả khi tích hợp được các thành tố như Khung pháp lý, điều chỉnh chính sách có liên quan; Định kỳ thu thập dữ liệu về bạo lực và theo dõi sự thay đổi theo thời gian; Triển khai các chương trình phòng ngừa bạo lực phù hợp với lứa tuổi; Phản ứng nhanh với bạo lực khi nó xảy ra. WHO cũng cho rằng  cần thực hiện các chính sách và đào tạo giáo viên phù hợp; Xem xét và điều chỉnh môi trường an toàn cho học sinh; Kết nối, thu hút phụ huynh tham gia vào hoạt động phòng chống bạo lực…

Còn theo quan điểm của Lane, Kalberg và Menzies (2009) thì một mô hình phòng chống bạo lực hiệu quả phải là một mô hình toàn diện tích hợp 3 tầng. Tầng thứ nhất với mục tiêu phòng ngừa khả năng gây hại tập trung triển khai trong toàn trường cho tất cả học sinh, giáo viên và nhân viên.

Tầng thứ 2 đảo ngược khả năng gây hại tập trung vào hệ thống một nhóm học sinh có nguy cơ bạo lực ở mức thấp (Ví dụ như hệ thống hòa giải) và tầng thứ 3 giảm thiểu khả năng gây hại tập trung vào những học sinh có nguy cơ bạo lực cao (bao gồm cả chương trình theo dõi, cam kết hành vi và chuyển tuyến chăm chữa về sức khỏe tâm thần...).

 

info.jpg

Yêu cầu của mô hình phòng chống bạo lực học đường hiệu quả gồm các yêu cầu: khả năng lãnh đạo mạnh mẽ; môi trường học đường an toàn và hòa nhập; phát triển kiến thức, thái độ và kỹ năng; mối quan hệ hợp tác hiệu quả; thực hiện các cơ chế báo cáo và cung cấp hỗ trợ/ dịch vụ phù hợp dựa trên đánh giá định kỳ

Các trường cần tuyên truyền phổ biến rộng rãi chính sách quốc gia/ ngành và chính sách/nội quy/quy tắc ứng xử của nhà trường; cam kết tạo ra môi trường học tập an toàn, toàn diện và có tính hỗ trợ cho tất cả học sinh; đào tạo và hỗ trợ giáo viên và nhân viên nhà trường về kỷ luật tích cực; cung cấp các chương trình giảng dạy và tài liệu học tập có liên quan đến phòng chống bạo lực học đường; phối hợp với các bên liên quan (cộng đồng, tổ chức xã hội) và đặc biệt có sự tham gia tích cực của chính học sinh; tiếp cận một cách an toàn, tự tin, thân thiện với các cơ chế báo cáo và các dịch vụ hỗ trợ dành cho trẻ em;  tiến hành nghiên cứu, theo dõi và đánh giá. Can thiệp bạo lực học đường tập trung vào việc thay đổi văn hóa của các trường học, nhất quán thể hiện lập trường mạnh mẽ chống lại bạo lực và hỗ trợ giáo viên sử dụng các cách kỷ luật tích cực và quản lý lớp học tích cực.

Về nội dung hoạt động, các cơ sở giáo dục cần phải triển khai:

- Xây dựng môi trường học đường an toàn: Huấn luyện kỹ năng Giải quyết xung đột và chương trình giảng dạy phòng chống bạo lực;  Triển khai chương trình hòa giải ngang hàng (quy trình giúp học sinh giải quyết bất đồng mà không phải đối đầu hay bạo lực); Tăng cường năng lực quản lý lớp học tích cực cho giáo viên; Triển khai chương trình phòng ngừa bắt nạt (cho mọi đối tượng trong toàn trường)

- Xây dựng hệ thống xác định sớm, can thiệp sớm học sinh có nguy cơ bạo lực cao: Thiết lập vận hành định kỳ công tác đánh giá nguy cơ và sàng lọc toàn trường; Lập quy trình xử lý các mối đe dọa (với giáo viên, học sinh, tài sản nhà trường theo mức độ nguy cơ); Tiến hành can thiệp sớm: Hướng dẫn và tư vấn cho cá nhân/nhóm

- Phản ứng nhanh, hiệu quả với các khủng hoảng học đường

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, từ kinh nghiệm thế giới, cần đưa ra một quy trình hành động phòng chống bạo lực học đường áp dụng một cách nhất quán và liên tục, kết hợp phòng ngừa và can thiệp, phối hợp các chương trình xã hội, nhà trường, nhóm nhỏ và cá nhân. Huy động được các nguồn lực hỗ trợ của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Các chương trình thực hiện ở nhà trường không chỉ dừng ở các chương trình phòng ngừa bạo lực học đường mà còn từ những chương trình hòa giải xung đột vì đó là nguồn làm tăng bạo lực; xây dựng bầu không khí hợp tác; loại bỏ các nguy cơ dẫn đến bạo lực trong môi trường sinh thái – xã hội của học sinh. Nâng cao lòng tự trọng và tư duy phản biện (dám nói dám đấu tranh với cái xấu trên tinh thần xây dựng); thực hành và vận dụng các kỹ năng quản lý hành vi tích cực và kỷ luật không nước mắt.

Ông cũng cho rằng, cần nhận ra và xử lý tốt những yếu tố làm suy giảm hiệu quả của chương trình phòng chống bạo lực học đường như: Chương trình chung không phân biệt đối tượng lứa tuổi, lý do sử dụng bạo lực; Không đánh giá và có kế hoạch hỗ trợ cho tất cả học sinh tham dự hoặc chứng kiến hành động bạo lực; Không có hoạt động sàng lọc phân loại và chương trình can thiệp tập trung cho những trẻ đã và đang sử dụng bạo lực (5% số này gây ra đến 30-40% các vụ việc);  Có tài liệu, văn bản hướng dẫn nhưng không áp dụng hay thực hiện, chỉ dạy vài giờ cho có, cho qua về giáo dục pháp luật, ý thức về phòng chống bạo lực học đường cho giáo viên, học sinh hay Ban giám hiệu Nhà trường...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn