Kinh nghiệm vận động hội viên, phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện

11:19 | 30/03/2023;
Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực tham gia đề xuất nhiều chính sách BHXH mang lại lợi ích thiết thân cho phụ nữ. Hội phụ nữ các cấp cũng triển khai nhiều cách làm hay vận động hội viên tích cực tham gia BHXH, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương hiện chính sách an sinh xã hội.

Những cách làm hay từ cơ sở

Tại tỉnh Quảng Nam, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh liên tục tăng qua các năm. Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã chủ động tìm tòi, sáng tạo những cách làm mới nhằm thu hút hội viên phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện thường xuyên, gắn với sinh hoạt Chi, tổ hội, các mô hình câu lạc bộ, tổ nhóm tiết kiệm và vay vốn; Hội còn tổ chức đối thoại về BHXH, BHYT, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách BHXH, BHYT; phát hành hàng chục nghìn tờ rơi và các loại ấn phẩm tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện rộng rãi đến các cơ sở khám chữa bệnh, trường học; phối hợp tổ chức các gameshow giao lưu, học hỏi, chia sẻ kiến thức về BHXH, BHYT, chương trình được thực hiện phát sóng trên VTV8. 

Nhìn chung, các cấp Hội đa dạng hóa công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình tiết kiệm ở cơ sở, đẩy mạnh tiết kiệm gắn với an sinh xã hội… Phấn đấu đến năm 2025, vận động 6.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân tham gia mới BHXH tự nguyện; 98% hội viên, phụ nữ tham gia BHYT".

Kinh nghiệm vận động hội viên phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương mình

Còn tại tỉnh Trà Vinh, bà Kiên Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh, cho biết: Nhằm giúp nhiều hội viên, phụ nữ có điều kiện tham gia BHXH, BHYT hộ gia đình, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến từng chi, tổ Hội triển khai xây dựng mô hình "Tiết kiệm nuôi heo đất mua BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình". Qua 2 năm phát động, Hội đã thành lập trên 60 tổ "Phụ nữ tiết kiệm nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện" với hơn 800 thành viên, 70 tổ tiết kiệm mua BHYT với gần 900 thành viên.

Song song đó, nhiều cơ sở Hội còn sáng tạo xây dựng mô hình "1+1" để vận động hội viên phụ nữ và hộ dân tham gia BHXH tự nguyện. Mô hình này thực hiện theo cách là một chi hội trưởng/chi hội phó tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân và vận động thêm một người thân tham gia BHXH tự nguyện.

Kinh nghiệm vận động hội viên phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh 2.

Khóa tập huấn “An sinh xã hội, bình đẳng giới và vai trò của Hội LHPN Việt Nam”

Tính riêng năm 2022 Hội LHPN tỉnh Trà Vinh giao chỉ tiêu đối với các cơ sở Hội về BHYT là 2.600 nguời, BHXH là 2.583 người. Các cấp Hội đã vận động số lượng người tham gia BHYT đã đạt 18.349 người; chỉ tiêu BHXH có 2.296 người, đạt tỷ lệ gần 90%.

Lồng ghép giới trong xây dựng chính sách an sinh xã hội

Theo báo cáo tại khóa tập huấn "An sinh xã hội, bình đẳng giới và vai trò của Hội LHPN Việt Nam", do Hội LHPN Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức, diện bao phủ thực tế của an sinh xã hội, bao gồm BHXH vẫn còn thấp. Đặc biệt, phụ nữ chưa được hưởng lợi từ hệ thống BHXH và thiếu sự đảm bảo về thu nhập ở những giai đoạn quan trọng của cuộc đời.

Mặc dù tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao - 70,8% ở độ tuổi 15-64 nhưng chỉ có 16% phụ nữ trên 65 tuổi được nhận lương hưu từ BHXH so với 27,3% nam giới. Chỉ có 30% phụ nữ trong lực lượng lao động được bảo hiểm thai sản, ốm đau, thất nghiệp và tai nạn lao động.

Từ thực tế trên, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực tham gia đề xuất nhiều chính sách BHXH mang lại lợi ích thiết thân cho phụ nữ như: giảm số năm đóng BHXH cho cán bộ nữ cấp cơ sở, nâng tuổi nghỉ hưu đối với một bộ phận cán bộ nữ.

Kinh nghiệm vận động hội viên phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia khóa tập huấn “An sinh xã hội, bình đẳng giới và vai trò của Hội LHPN Việt Nam”

Hội LHPN cấp trung ương và nhiều tỉnh, thành đã tham gia nhiều đoàn giám sát về việc thực thi luật pháp, chính sách liên quan đến BHXH, BHYT. Qua giám sát đã phát hiện kịp thời những sai sót, tồn tại để kiến nghị bổ sung, điều chỉnh, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho lao động nữ nói riêng và người dân nói chung, góp phần đảm bảo lồng ghép giới trong thực thi chính sách về an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2015-2022, Hội LHPN Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, Hội HLHPN Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHXH tại 35 tỉnh/thành cho 13.410 người.

Bà Cao Thị Hồng Minh, Phó trưởng Ban Tổ chức - Hội LHPN Việt Nam, cho biết: "Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tham mưu chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách BHXH nói riêng như tham gia góp ý dự án Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT sửa đổi, đề xuất đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục dịch vụ được BHYT chi trả... Các cấp Hội tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH trong công tác tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT với hội viên, phụ nữ; thành lập, tham gia nhiều đoàn giám sát về chính sách BHXH, BHYT".

Kinh nghiệm vận động hội viên phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hải Đạt, Điều phối Chương trình An sinh xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), phát biểu tại chương trình.

Chia sẻ về việc đồng hành cùng Hội trong lồng ghép giới với các chính sách an sinh xã hội, ông Nguyễn Hải Đạt, Điều phối Chương trình An sinh xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho hay: ILO đã đồng hành với Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng tài liệu tập huấn "An sinh xã hội nhìn từ góc độ giới và vai trò của Hội phụ nữ trong tham mưu hoạch định chính sách về an sinh xã hội". Bộ tài liệu nhằm cung cấp những thông tin rất thực tế, các phương pháp luận, số liệu, bằng chứng thuyết phục, cũng như chỉ ra được bức tranh về bất bình đẳng về giới giữa nam và nữ trong tham gia thụ hưởng chính sách an sinh. Từ đó trang bị kiến thức nền tảng để tham mưu chính sách an sinh xã hội cho hội viên, phụ nữ; nâng cao năng lực kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT; lồng ghép giới trong đề xuất, xây dựng và thực hiện chính sách BHXH nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung.

ILO cũng đang phối hợp để xây dựng một khoá đào tạo giảng viên để vận hành được Bộ tài liệu này. Sau đó, đội ngũ giảng viên của hội sẽ chuyển giao các nội dung về cho địa phương.

"Thời gian tới, ILO cũng đang xúc tiến xây dựng những đánh giá về chế độ thai sản ở Việt Nam hiện nay. Nghĩa là chỉ ra bao nhiêu % phụ nữ không được hưởng và tại sao không được hưởng chế độ thai sản. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống, công việc của họ. Từ đó, đề xuất các chính sách hướng đến bao phủ chế độ thai sản 100% cho phụ nữ khi sinh con ở Việt Nam trong tương lai", ông Nguyễn Hải Đạt nhấn mạnh.

Từ ngày 28 đến 30/3, tại TPHCM, Hội LHPN Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức khóa tập huấn "An sinh xã hội, bình đẳng giới và vai trò của Hội LHPN Việt Nam".

Chương trình có sự tham dự của các đại biểu thuộc các Ban, đơn vị của TƯ Hội LHPN Việt Nam tại TPHCM (Ban Công tác phía Nam, Phân hiệu phía nam - Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường Trung cấp Lê Thị Riêng) và đại diện học viên đến từ Hội LHPN 9 tỉnh/thành phía Nam.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn