Kịp thời hiến máu cứu sống một cháu bé 6 tuổi do bị ong đốt

12:17 | 19/08/2021;
Ba cán bộ, chiến sỹ công an đã kịp thời có mặt hiến máu cứu sống một cháu bé 6 tuổi trong tình trạng nguy kịch do bị ong đốt.

Ngày 19/8, thông tin từ ông Ngô Sỹ Cường – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa xẩy ra vụ ong đốt khiến một cháu bé 6 tuổi phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó, cháu B.M.T. (6 tuổi), trú tại thôn Hải Đồng, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, (Nghệ An) cùng bạn lên khu vực đồi phía gần nhà để chơi. Tại đây, cháu T. không may bị đàn ong vò vẽ bay ra đốt khoảng 90 nốt, người bạn đi cùng nhanh chân chạy thoát.

Kịp thời hiến máu cứu sống một cháu bé 6 tuổi do bị ong đốt - Ảnh 1.

Ba cán bộ, chiến sỹ công an hiến máu cứu bé 6 tuổi qua cơn nguy kịch

Phát hiện sự việc, người thân cháu T. đã đưa bé xuống Bệnh viện Sản nhi Nghệ An để cấp cứu. Bé T. rơi vào tình trạng nguy kịch và cần truyền máu gấp. Cháu bé thuộc nhóm máu hiếm (nhóm O).

Nhận được tin, Thiếu tá Nguyễn Quyết Thắng, Đại úy Hồ Bá Nhật và Đại úy Lê Ngọc (cán bộ Phòng kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Nghệ An) đã đến và kịp thời hiến máu cứu sống cháu bé.

Được biết, gần 1 tháng qua, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An liên tục tiếp nhận và cấp cứu nhiều trẻ nhỏ trong tình trạng tính mạng bị đe doạ̣, sốc phản vệ biến chứng suy đa tạng do bị ong đốt.

Bác sĩ CKI. Nguyễn Hùng Mạnh - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho biết: Hàng năm, mùa Hè là thời điểm khoa ghi nhận nhiều trường hợp bị ong đốt phải nhập viện điều trị, do đây là mùa có nhiều loại hoa, quả như dứa, nhãn, vải… thu hút ong về làm tổ, kiếm ăn.

Ong đốt là một tai nạn thường hay gặp ở trẻ em do hành động đùa giỡn, hiếu động, và chưa ý thức được sự nguy hiểm khi vô tình động đến tổ ong. Có một số trường hợp bị loại ong đốt với nhiều vết chích trên cơ thể đã gây nên tình trạng rất nguy kịch, có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Khi bị ong đốt, bệnh nhân cần được sơ cứu, xử trí ban đầu theo dõi y tế ngay lập tức bởi các phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, ngộ độc nọc ong có thể xuất hiện nhanh chóng. Ngộ độc nọc ong là biểu hiện toàn thân khi nọc ong vào cơ thể gây độc làm phá vỡ các tế bào, các cơ quan bị tổn thương, cuối cùng suy đa phủ tạng.

Ngay khi phát hiện trẻ bị ong đốt, phụ huynh cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân tới khu vực an toàn, tránh bị đốt nhiều hơn và phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: có nhiều vết đốt; bị đốt vào các vùng đầu, mặt, cổ kèm theo dấu hiệu phù nề lan nhanh; có các dấu hiệu toàn thân sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu, có dấu hiệu dị ứng, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt.

Đối với các trường hợp cấp cứu do bị ong đốt trong 2 tuần qua, đa phần phụ huynh các bé không biết đến sự có mặt của tổ ong ngay trong vườn nhà trước đó, nên không có sự đề phòng cho các trẻ nhỏ. Vì vậy, để chủ động phòng tránh, các bậc phụ huynh không nên để cây cối mọc rậm rạp xung quanh nhà khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn