Có lối sống lành mạnh, chị Oanh hoàn toàn yên tâm vào sức khỏe của mình và vui vẻ hưởng thụ cuộc sống. Bước sang tuổi 40, chị lại càng quan tâm đến sức khỏe hơn, tần suất đi khám định kỳ của chị tăng lên. Qua mỗi lần khám, chị tự điều chỉnh chỉ số ăn uống theo yêu cầu của bác sĩ để giữ sức khỏe tốt khi bước vào tuổi gần tiền mãn kinh.
Vào tháng 4/2021, sau một lần khám định kỳ, tầm soát ung thư vú, chị có kết quả ung thư biểu mô tế bào tại chỗ. Chị không khỏi choáng váng khi bị căn bệnh ung thư "gọi tên". Lúc đó chị đã gọi điện cho chồng và cho mẹ, khóc trong điện thoại mặc dù lúc đó bác sĩ đã khuyên chị phải bình tĩnh và cần làm lại xét nghiệm cho chắc chắn.
Trải qua cú sốc phút ban đầu, không suy sụp và chán nản, chị Oanh bắt đầu về nhà và mua nhiều loại sách nói về căn bệnh ung thư, hướng điều trị cũng như cách ăn uống... để từ đó tìm ra hy vọng cho chính mình.
Nhớ lại điều này, chị Oanh từng nghĩ đó là cách làm duy nhất khiến chị rời sự chú ý vào căn bệnh đang đè nặng tâm trí mình. Sau một tuần tìm hiểu các tài liệu về ung thư, chị vào bệnh viện để phẫu thuật trong tình hình căng thẳng của dịch Covid-19.
Trước khi mổ, chị được gặp 6 bác sĩ. Họ đều giải thích cho chị yên tâm về ca phẫu thuật này. Sự có mặt của 6 bác sĩ đã giúp chị Oanh bình tâm hơn và tự tin vào sự thành công của ca mổ.
"Ca mổ của tôi từ 4h chiều đến 7h tối. 9h tối tôi tỉnh hẳn, có cảm giác khỏe khoắn và được chuyển lên phòng điều trị. Tối hôm đó, tôi không thấy đau hay mệt vì vết mổ nhỏ và được truyền nước. Sáng hôm sau, lúc 9h, bác sĩ phẫu thuật đến kiểm tra vết mổ và cho tôi xuất viện lúc 1h chiều của ngày hôm đó", chị Oanh kể lại.
Sau ca phẫu thuật ung thư vú và được trở về nhà, chị như được hồi sinh, cảm thấy cuộc sống vô cùng đáng quý. Sau một tuần kể từ ca phẫu thuật, qua kết quả xét nghiệm bệnh phẩm, chị Oanh không có tế bào ung thư lan rộng mà chỉ là ung thư biểu mô tại chỗ nhân độ thấp và ở giai đoạn tiền ung thư. Đây cũng được coi là "giai đoạn vàng" trong phát hiện và điều trị bệnh ung thư vú. Chị càng hạnh phúc hơn khi bác sĩ khẳng định, chị có thể khỏi hẳn lên đến 95%. Đó là một "giấc mơ" đối với chị Kiều Oanh, dù sau đó chị phải trải qua một đợt trị xạ và phải uống thuốc ức chế estogel trong vòng 5 năm.
Chị Oanh tin rằng mình "thoát án tử" bởi chính sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe của bản thân một cách nghiêm túc. Vì thế, một lần nữa chị quyết định làm kiểm tra gene để biết có khả năng di truyền cho thế hệ sau hay không. Một niềm vui nữa đã đến khi bác sĩ thông báo kết quả kiểm tra gene của chị không bị lỗi, nghĩa là không có khả năng lan ung thư sang vú còn lại hoặc lan sang các bộ phận khác, cũng như truyền cho con sau này.
Qua câu chuyện của mình, chị Kiều Oanh muốn chia sẻ tới những người phụ nữ, hãy thường xuyên thăm khám sức khỏe định kì. Nếu chẳng may bị ung thư, hãy tin tưởng bác sĩ điều trị và thường xuyên trao đổi để có thể tìm ra phương pháp tối ưu và hiệu quả. Cùng với đó, hãy tìm đọc những tài liệu đáng tin cậy để không bị hoang mang, tránh những thông tin nhiễu loạn, bác bỏ những cách chữa bệnh từ "quảng cáo", hoặc "tự chữa", gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình điều trị.
Chị Oanh chia sẻ: "Bạn hãy coi ung thư chỉ là một bệnh như bao bệnh khác mà mình phải đối mặt, thậm chí phải chung sống với nó. Hãy kiên cường và đi đúng hướng, nắm bắt thời cơ kiểm soát bệnh và yêu thương bản thân mình ngay từ bây giờ. Tôi muốn chia sẻ sự may mắn này tới các bạn để ai cũng có thể nhận được sự may mắn không chỉ nằm ở ý trời, mà còn ở cách chúng ta đối xử với bản thân. Đừng để phải dằn vặt vì mình đã "không làm gì" với sức khỏe cho đến lúc phải nói lời hối tiếc".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn