Kon Tum: Nỗ lực "giữ lửa" nghề dệt thổ cẩm truyền thống

14:04 | 18/09/2024;
Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Jrai và Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum là vấn đề cấp thiết hiện nay. Hiểu được vấn đề này, nhiều chị em, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây đang tích cực phát huy nghề truyền thống để phát triển kinh tế cũng như gìn giữ bản sắc văn hóa.

Bên mái nhà sàn, nghệ nhân Y Rua (66 tuổi, thôn Đăk Vek, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đang tỉ mỉ xe từng sợi thổ cẩm trên khung cửi của mình. Bà Y Rua cho biết, sau những ngày lên nương rẫy trồng trọt, phụ nữ Xơ Đăng ở xã Đăk Pxi thường tranh thủ lúc nông nhàn hay mưa gió để đưa khung ra dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc. Mỗi người phụ nữ trong làng thường đan được từ 1 đến 2 tấm thổ cẩm/tuần. Mỗi tấm thổ cẩm thường có giá khoảng 300.000 đồng. Công việc này giúp chị em có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Kon Tum: Nỗ lực "giữ lửa" nghề dệt thổ cẩm truyền thống- Ảnh 1.

Nghệ nhân Y Rua mong muốn sẽ xây dựng được những lớp học dệt thổ cẩm trong làng để gìn giữ những bản sắc văn hóa dân tộc.

Bà Y Rua cũng chia sẻ thêm, trong xu thế hòa nhập hiện nay, trang phục truyền thống không được giới trẻ ưa chuộng nhiều, tuy nhiên các bà, các mẹ vẫn tỉ mẩn miệt mài phơi sợi, dệt vải, nhuộm chàm… làm từng bộ quần áo, chiếc khăn, vỏ chăn với mong muốn lưu giữ nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống dân tộc.

Bà Y Rua cho biết: "Tôi thường dệt may thổ cẩm phục vụ cho dân làng làm khăn địu con, quần áo... Nghề dệt thổ cẩm lắm công phu và cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Vậy nên, tôi mong muốn sẽ xây dựng được những lớp học dệt thổ cẩm trong làng để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, tránh mai một với thời gian".

Ông U Lý - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi (Đăk Hà, Kon Tum) - cho biết: "Hiện nay, xã đang tích cực quảng bá nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mỹ nghệ đan lát, thổ cẩm. Khuyến khích người dân đưa các sản phẩm văn hóa đi giới thiệu, trưng bày để tìm kiếm đầu ra ổn định. Đồng thời, địa phương cũng tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ học nghề truyền thống để bảo tồn bản sắc dân tộc, có thêm nguồn thu nhập, góp phần nâng cao đời sống gia đình".

Còn tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông (Kon Tum), phụ nữ Xơ Đăng nơi đây cũng đang nỗ lực bảo tồn nghề dệt bằng cách thành lập "Nhóm phụ nữ dệt thổ cẩm" với 11 thành viên. Mô hình nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho phụ nữ, đồng thời gìn giữ, lưu truyền nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Xơ Đăng. Các thành viên trong nhóm được hỗ trợ mua khung dệt, mua chỉ màu, tu sửa mở rộng diện tích nhà ở có khu vực ngồi dệt vải. Tham gia các lớp tập huấn truyền dạy nghề dệt…

Tương tự, bà con người Jrai ở xã Ya Tăng (Sa Thầy, Kon Tum) cũng từng ngày miệt mài bên khung dệt, cố gắng "níu giữ" và làm sống dậy sắc màu thổ cẩm của dân tộc mình.

Với quyết tâm không để nghề dệt bị mai một, bà Y Rỗi (73 tuổi, làng Lút, Ya Tăng, Sa Thầy, Kon Tum), là nghệ nhân dệt thổ cẩm, đã đến từng nhà để động viên những người phụ nữ trong làng trở lại với nghề dệt thổ cẩm, thuyết phục chị em cùng liên kết phát triển kinh tế dựa trên nghề truyền thống của dân tộc.

Kon Tum: Nỗ lực "giữ lửa" nghề dệt thổ cẩm truyền thống- Ảnh 2.

Bà Y Rỗi tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

"Từ nhỏ, chị em mình đã được mẹ và các bà trong làng dạy dệt thổ cẩm. Mẹ bảo đã là phụ nữ ít nhiều cũng phải biết ngồi vào khung, se chỉ, dệt vải. Ngày ấy, con gái Jrai mình ai cũng biết dệt thổ cẩm. Lúc đầu, mình được tập dệt những vật dụng đơn giản như khăn, khố. Sau khi có kinh nghiệm thì phải làm tất cả các công đoạn từ lên rừng hái quả, vỏ cây để nhuộm, phối màu đến dệt những bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Những năm gần đây, bà con ở làng có đời sống hiện đại, nên người dân dần thay những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng những chiếc quần jean, áo sơ mi... hoặc đặt mua thổ cẩm từ nơi khác, khiến cho nghề dệt thổ cẩm ở làng đứng trước nguy cơ mai một. Vậy nên, tôi luôn trăn trở tìm cách hướng dẫn chị em giữ nghề. Địa phương cũng hỗ trợ tuyên truyền vận động, chị em cũng dần hiểu được và đã có nhiều thay đổi tích cực", bà Rỗi cho hay.

Ông Trần Văn Tiên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Thầy (Kon Tum), cho biết: "Để gìn giữ và phát huy nghề tại địa phương, cấp ủy và chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhất là các con cháu trong gia đình".

Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tôn vinh đã giúp cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh hiểu được giá trị văn hóa, giá trị hàng hóa mà thổ cẩm mang lại như: Chương trình nghệ thuật "Đăk Hà ngày mùa" do huyện Đăk Hà tổ chức; chương trình "Đêm hội áo dài" do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức; lễ đón nhận nhãn hiệu chứng nhận Dệt thổ cẩm Kon Tum… qua đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS nói chung và góp phần phát triển sinh kế cho phụ nữ DTTS nói riêng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn