Nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số ở hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum) trồng sâm dây phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh Kon Tum và Hội nữ doanh nhân TPHCM đã ký kết Hợp đồng ủy thác vốn vay "Về việc hỗ trợ vốn cho phụ nữ vượt khó - khởi nghiệp".
Sau thời gian 5 năm thực hiện ở Đăk Glei, hơn 2 năm thực hiện ở Tu Mơ Rông, dự án trồng sâm dây đã đạt được một số kết quả đáng mừng, từng bước góp phần giúp phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.
Trao đổi với phóng viên Báo PNVN xung quanh dự án này, bà Y Phương, Chủ tịch Hội LHPN Kon Tum, cho biết:
Tại huyện Đăk Glei, tháng 7/2018, từ nguồn vốn ban đầu là 100 triệu đồng, Hội nữ doanh nhân TPHCM đã hỗ trợ 20 phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số tại xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh (thuộc huyện Đăk Glei) vay vốn để trồng sâm dây. Với mức vay 5 triệu đồng, mỗi thành viên đã mua được 50 kg giống, trồng trên tổng số diện tích hơn 2 ha.
Còn tại huyện Tu Mơ Rông, năm 2021, từ nguồn vốn 100 triệu đồng của Hội nữ doanh nhân TPHCM, Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức giải ngân cho 20 thành viên của xã Tê Xăng vay với mức 5 triệu đồng/thành viên. Cũng từ nguồn vốn này, các hội viên đã mua được 50 kg giống sâm dây trồng trên tổng diện tích hơn 3 ha. Diện tích sâm dây đều sinh trưởng và phát triển tốt. Mô hình tổ liên kết của xã Tê Xăng hoạt động hiệu quả, luân chuyển mới cho 5 hộ trồng sâm.
PV: Xin bà cho biết một số kết quả cụ thể sau thời gian triển khai mô hình trồng sâm dây trong phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đăk Glei và Tu Mơ Rông?
Bà Y Phương: Theo đánh giá của Hội LHPN Kon Tum, mô hình phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây tại 3 xã: Ngọc Linh, Mường Hoong và Tê Xăng hoạt động hiệu quả, giúp phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Cụ thể, tính đến tháng 8/2023, sau 5 năm thành lập và duy trì hoạt động mô hình, đã luân chuyển cho 10 hộ mới của thôn Kung Rang, xã Ngọc Linh và 10 hộ mới của thôn Mô Po, xã Mường Hoong, nâng số thành viên thành 40 người với diện tích trồng sâm lên 5 ha; giúp đỡ 2 hội viên phụ nữ thoát nghèo, 2 chị thoát cận nghèo.
Đến năm 2023, mức thu nhập của trung bình 1 vụ của các thành viên từ trồng sâm dây đạt 25 triệu đồng/hộ (hộ có nguồn thu cao nhất là 40 triệu đồng, hộ thấp nhất là 10 triệu đồng).
Còn tại Tu Mơ Rông, tính đến nay, sau hơn 2 năm trồng sâm dây, thu nhập của các thành viên trung bình đạt 8 triệu đồng/hộ/vụ; trong đó, hộ thu cao nhất là 10 triệu đồng/hộ/vụ.
PV: Để tránh tình trạng giải ngân nhưng không thu hồi được vốn hoặc các hộ phát triển sản xuất không hiệu quả, Hội LHPN Kon Tum đã làm thế nào, thưa bà?
Bà Y Phương: Để tránh tình trạng này, trước khi giải ngân, các cấp Hội đã phải khảo sát cặn kẽ để nắm được tình hình thực tế, từ đó đưa ra tiêu chí xác thực để lựa chọn đối tượng phù hợp cho vay vốn. Cụ thể, các thành viên tham gia mô hình trồng sâm dây phải có nhân công lao động, chịu khó làm ăn và quyết tâm thoát nghèo.
Khi được lựa chọn tham gia mô hình trồng sâm dây, ngoài việc được hỗ trợ vốn vay từ Hội nữ doanh nhân TPHCM để mua giống sâm, chị em còn được tập huấn để áp dụng đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm dây hiệu quả. Thông qua việc thu hoạch lá sâm dây (theo từng thời điểm), một số chị em đã có thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Nhìn thấy tiềm năng từ loại cây này, nhiều chị em đã mạnh dạn vay thêm vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mở rộng diện tích trồng sâm dây.
PV: Trong quá trình giải ngân, Hội găp phải khó khăn gì?
Bà Y Phương: Trên thực tế, nhận thức của một số hội viên, phụ nữ còn hạn chế nên chưa mạnh dạn vận dụng kỹ thuật chăm sóc cây, dẫn đến cây dễ bị sâu bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đầu ra các sản phẩm không ổn định, chủ yếu bán lẻ và giá cả còn chênh lệch nhiều so với thị trường.
Bên cạnh đó, phải kể đến năng lực cán bộ Hội ở cơ sở (nơi triển khai mô hình) còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đội ngũ cán bộ Hội LHPN tuyến huyện mỏng (chỉ có 3 cán bộ/huyện) lại có sự thay đổi sau Đại hội Phụ nữ các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 dẫn đến công tác chỉ đạo, đôn đốc, sâu sát với các mô hình còn có thời điểm chưa được thường xuyên, liên tục. Thêm nữa, là địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng, giao thông không thuận lợi, dân cư không tập trung, dân trí thấp nên việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho các mô hình tại 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) gặp nhiều khó khăn.
PV: Trong thời gian tới, Hội LHPN Kon Tum tiếp tục triển khai mô hình theo hướng nào?
Bà Y Phương: Để giúp các hộ có điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất, chúng tôi đề xuất Hội nữ doanh nhân TPHCM chưa thực hiện thu hồi vốn hỗ trợ và tạm dừng kế hoạch phát triển thêm thành viên mới tại 3 xã ở 2 huyện đang tham gia mộ hình, nhằm để các hộ phụ nữ dân tộc thiểu số có thời gian tích luỹ, tái đầu tư và mở rộng sản xuất.
Hội LHPN Kon Tum cũng sẽ tiếp tục phối kết hợp chặt chẽ với Hội nữ doanh nhân TPHCM để tìm giải pháp hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng gian hàng thu mua, trưng bày, bán sản phẩm của phụ nữ tại 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông tham gia mô hình.
Song song với các hoạt động này, chúng tôi sẽ thông qua Hội nữ doanh nhân TPHCM tìm cách kết nối đầu ra cho sản phẩm của hội viên, phụ nữ sản xuất. Từ kết quả đạt được, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, với sự đồng hành của Hội nữ doanh nhân TPHCM sẽ huy động thêm được nhiều nguồn lực để nhân rộng mô hình trồng sâm dây ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Kon Tum.
PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện. Hy vọng, trong thời gian tới, sự phối kết hợp giữa Hội LHPN Kon Tum và Hội nữ doanh nhân TPHCM sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo, làm chủ kinh tế gia đình!
Cuối tháng 8, đoàn Hội nữ doanh nhân TPHCM vừa có chuyến làm thăm tham quan và làm việc với dự án hỗ trợ phụ nữ DTTS trồng cây sâm dây tại huyện Đăk Glei và huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.
Sau khi đi thực tế mô hình, đoàn đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, đề xuất phương án, giải pháp nhằm tăng cường nâng cao nhận thức thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững; thay đổi hình ảnh bao bì nâng cao giá trị sản phẩm; đa dạng hóa sản phẩm từ hồng đẳng sâm...
Trong dịp này, đại diện Hội nữ doanh nhân TPHCM đã trao tặng hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 1 Mái ấm tình thương trị giá 50.000.000 đồng; trao tặng 100 suất học bổng cho học sinh hiếu học tại xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) và xã Mường Hoong, Ngọc Linh, (huyện Đăk Glei).
Ngoài giúp đỡ vốn vay để phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp, Hội nữ doanh nhân TPHCM còn thực hiện nhiều hoạt động từ thiện hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo là người dân tộc thiểu số tại Kon Tum
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn