Những năm qua, nhiều chương trình, chính sách dân tộc, dự án đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được triển khai đồng bộ tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Các chính sách cho người có uy tín; hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ; công tác kết nghĩa với bon, buôn đồng bào DTTS tại chỗ; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên đồng bào DTTS; 3 chương trình MTQG... đã từng bước thay đổi toàn diện đời sống của người dân.
Nhiều chính sách ưu đãi dành cho đồng bào DTTS
Năm 2023, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, vay từ nguồn vốn ưu đãi thêm 40 triệu đồng, cùng với số tiền tích lũy, gia đình chị K’Sor Hpao (dân tộc Gia Rai, bon Yốk Rling, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô) đã xây được ngôi nhà mới kiên cố, khang trang. Bao năm phải ở trong căn nhà gỗ dựng tạm đã xuống cấp trầm trọng, lúc nào cũng lo sợ mỗi khi mưa bão, giờ được ở trong ngôi nhà thơm mùi gạch mới, các thành viên trong gia đình chị K’Sor Hpao mừng vui khôn tả.
Huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có 52 thôn, bon, buôn đồng bào DTTS; trong đó có 22 buôn, bon đồng bào DTTS tại chỗ. Toàn huyện có 23 DTTS với hơn 7.330 hộ, hơn 34.000 khẩu.
Có nhà mới, không còn nơm nớp lo sợ nhà sập như trước đây, vợ chồng chị K’Sor Hpao càng thêm có động lực để phấn đấu làm ăn, tăng gia sản xuất có tiền trả nợ. "Nếu không được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới có nhà kiên cố để ở. Từ nay, chúng tôi đã có thể yên tâm làm ăn, vươn lên làm giàu", chị K’Sor Hpao chia sẻ.
Gia đình anh Y Thanh (dân tộc M'nông, buôn 9, xã Đắk D'rô, huyện Krông Nô) thuộc diện khó khăn nhiều năm liền. Đến đầu năm 2023, thông qua Dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, vợ chồng anh Y Thanh được hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò.
Ngoài được cấp bò giống, gia đình anh Y Thanh còn được chính quyền địa phương giúp cỏ giống và kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò. Có điều kiện, anh Y Thanh chăm chỉ học hỏi, tham gia các lớp tập huấn, nỗ lực chăm sóc cho bò sinh trưởng tốt. Đầu năm 2024, con bò giống đã sinh sản, giúp gia đình anh có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế.
Ngoài được hỗ trợ bò giống, gia đình anh Y Thanh còn được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ. Nhờ nguồn vốn vay này, vợ chồng anh Y Thanh mạnh dạn đầu tư chăm sóc cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo Phòng Dân tộc huyện Krông Nô, giai đoạn 2022 - 2023, toàn huyện có 351 hộ được cấp 246 con bò, 436 con dê giống; 207 hộ thuộc 18 nhóm cộng đồng triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, góp phần tiếp thêm động lực cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Không chỉ hỗ trợ phát triển kinh kế, các chính sách dân tộc còn góp phần giúp các hộ DTTS đổi thay nhiều mặt đời sống.
100% hộ DTTS nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, giúp đỡ
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Krông Nô được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Từ năm 2020 - 2023, huyện Krông Nô đã hỗ trợ lãi suất cho 972 lượt hộ đồng bào DTTS tại chỗ vay hơn 3,4 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh. Qua đó "tiếp sức" cho các hộ DTTS tại chỗ đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Các hộ sau khi vay vốn đều có khả năng trả lãi và gốc cho ngân hàng đúng thời hạn. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Giai đoạn 2021 - 2024, huyện Krông Nô được bố trí hơn 251 tỷ đồng thực hiện 3 chương trình MTQG: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ nguồn lực của các chương trình, các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS được tiếp cận với các chính sách ưu đãi.
Cụ thể, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được hỗ trợ và tạo điều kiện để vay vốn phát triển sản xuất. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tư vấn nghề, hỗ trợ việc làm. 100% hộ nghèo đã được cấp thẻ BHYT và được hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí theo quy định. 98% học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về giáo dục, đào tạo.
Đến nay, huyện đã hỗ trợ 21 căn nhà bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); hỗ trợ đất ở cho 17 hộ; hỗ trợ dụng cụ chứa nước (bồn nước inox) cho 163 hộ; tổ chức 10 lớp dạy nghề với 270 học viên DTTS; khôi phục 5 lễ hội truyền thống; xây dựng 4 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian; hỗ trợ 33 trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào DTTS; xây dựng 5 điểm/3 xã tiêm chủng ngoài trạm; thành lập 23 tổ truyền thông cộng đồng…
Mục tiêu 3 tăng - 3 giảm - 3 không
Nhờ việc thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, giải pháp mà tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cơ bản của huyện Krông Nô giảm qua các năm. Năm 2019, toàn huyện có 1.229 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,3%; trong đó, hộ nghèo DTTS là 887 hộ. Đến năm 2023, hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 748 hộ, chiếm tỷ lệ 3,7%; trong đó, hộ nghèo DTTS 560 hộ.
Theo ông Ngân Thanh Hải, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Nô, các chính sách đặc thù của tỉnh và các chương trình MTQG đã thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa xã hội… vùng đồng bào DTTS. Kết cấu hạ tầng các thôn, bon đông đồng bào DTTS từng bước được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.
Trong thời gian tới, huyện Krông Nô tiếp tục chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng: "3 tăng" (tăng cường mở các lớp tập huấn ngắn ngày về khuyến nông; tăng số lượng, chất lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên; tăng số lao động được dạy nghề); "3 giảm" (giảm bỏ học, giảm đẻ nhiều, giảm nghèo); "3 không" (không bán đất; không nghe lời kẻ xấu; không bỏ văn hóa truyền thống tốt đẹp).
Bên cạnh đó, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng đồng bào DTTS, chính quyền địa phương sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS nhằm phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn