Bìa cuốn In Secret Tibet” của Theodore Illion có đề cập tới chuyện các nhà sư Tây Tạng niệm chú chuyển đá ở himalaya. |
Trong cuốn sách “The Bridge to Infinity” xuất bản năm 1997, tác giả Bruce Cathie đã kể lại câu chuyện tiến sĩ Jarl tận mắt chứng kiến các tăng nhân niệm chú để dịch chuyển nhiều phiến đá nặng trên dãy núi Himalaya. Câu chuyện này, trước đó, cũng được nhắc đến trong cuốn “In Secret Tibet” của Theodore Illion năm 1991.
Vài thập niên trước, tiến sĩ Jarl khi ấy vẫn còn là sinh viên người Thụy Điển thuộc chuyên ngành y khoa tại Đại học Oxford (Anh). Trong thời gian đó, ông đã kết bạn với một sinh viên khác đến từ Tây Tạng. Một lần đến thăm Ai Cập vào năm 1939, Jarl đã gặp người đưa tin từ anh bạn cũ của mình. Người này đã khẩn cầu Jarl theo anh trở về Tây Tạng để chữa trị cho một vị Lạt Ma tại đó. Trải qua chuyến hành trình dài bằng máy bay và bò Yak, cuối cùng, Jarl cũng đến được tu viện nơi người bạn đại học và vị Lạt Ma đang chờ đợi. Tại vùng đất Tây Tạng này, Jarl đã tận mắt chứng kiến các tăng nhân niệm chú để dịch chuyển nhiều phiến đá nặng trên dãy núi Himalaya.
Ngày đó, người bạn thời đại học dẫn Jarl tới một bãi cỏ dốc trên sườn núi gần tu viện. Phía Tây Bắc của bãi cỏ được bao bọc bởi các vách núi cao. Trên vách đá dựng đứng ở độ cao khoảng 250 m có một nơi lõm vào bên trong, trông giống như cửa động mà người ta có thể bước vào. Ngay trước cửa động là một mặt thềm, nơi các tăng nhân đứng để dựng lên bức tường đá. Vì mặt thềm nằm ở độ cao 250m, nên cách duy nhất để lên trên đó là dùng dây thừng leo lên. Ngay giữa bãi cỏ, cách vách đá khoảng 250m có một phiến đá trơn nhẵn rộng chừng 1m, chính giữa phiến đá được tạc lõm sâu xuống khoảng 15cm tạo ra hình dáng như một cái bát. Tiếp theo đó là đôi bò Yak đang kéo theo một tảng đá lớn vào trong lòng “chiếc bát” này; tảng đá ấy có chiều rộng 1m và chiều dài ước chừng 1,5m.
Kèn dài đặc trưng của các nhà sư Tây Tạng. |
Tạo năng lượng vô song từ những chiếc trống
Jarl quan sát thấy 13 chiếc trống và 6 chiếc kèn đều quay mặt về tảng đá kia, xếp thành một phần tư hình tròn rất hoàn mỹ (90 độ). Tất cả phần thân trống đều được làm từ những miếng sắt dày 30cm. Các tăng nhân sử dụng da để chế tạo nên những dùi trống, đầu nhọn của dùi trống được bao bọc bằng kim loại. Cả 6 chiếc kèn đều rất dài, và chiều dài đo được trên thực tế là 3,12m
Các tăng nhân cẩn thận đo đạc và xác định được bán kính chính xác của một phần tư hình tròn trên là 63m. 8 trong số 13 mặt trống ấy có kích cỡ giống nhau như đúc, đều rộng 1m và dài 1,5m. Những chiếc trống khác nằm xung quanh có kích cỡ tương đối nhỏ, thể tích chỉ bằng 1/3 trống lớn với bề rộng khoảng 0,7m và dài 1m.
Trong số 13 mặt trống còn có một mặt trống nhỏ nhất, rộng 0,2m và dài 0,3m. Kích thước của 3 loại trống vừa nêu trên rất thú vị: Có thể đặt vừa đủ 41 cái trống nhỏ vào trong những cái trống cỡ vừa. Và loại trống lớn nhất có thể chứa vừa 125 cái trống nhỏ.
Tất cả các mặt trống nói trên đều đặt cố định trên giá đỡ với vị trí và khoảng cách rất chuẩn xác dành cho người đánh trống. Cuối cùng, Jarl chú ý thấy gần 200 vị tăng nhân xếp thành 19 hàng phía sau những chiếc trống, mỗi hàng có từ 8-10 người. Không ai nghĩ rằng, những tăng nhân ấy có thể dùng những chiếc trống để phát ra năng lượng cường đại.
Trống của các nhà sư Tây Tạng. |
Khi tảng đá đã được đặt vào đúng vị trí, các tăng nhân đánh trống nhỏ sẽ phát hiệu lệnh bắt đầu buổi diễn tấu. Trống nhỏ tạo nên thứ âm thanh sắc nhọn phi thường, trong khi loại trống lớn hơn có âm lượng rất lớn và ngân dài. Các tăng nhân đồng thanh tụng kinh với nhịp độ càng lúc càng nhanh hơn.
Trong 4 phút đầu tiên chưa có hiện tượng gì xảy ra. Nhưng cùng với tiếng trống và tiếng tụng kinh nhanh và mạnh mẽ hơn, tảng đá bắt đầu lay động, rồi sau đó đột nhiên bay vọt lên không trung với tốc độ tăng dần. Tảng đá bay theo hình vòng cung và sau khoảng 3 phút, nó hạ xuống “cửa động” ở độ cao cách mặt đất 250m.
Thật khó để tưởng tượng cảnh tượng phi thường ấy, khi một phiến đá lớn đột ngột bay vọt lên không trung như vậy. Với cách này, các tăng nhân có thể vận chuyển từ 5 đến 6 khối đá lớn trong mỗi 1 giờ đồng hồ.
Bức ảnh chụp năm 1938 các nhà sư Tây Tạng tại Lhasa với những chiếc kèn dài đặc trưng. |
Bán tín bán nghi
Trước sự việc ấy, vị tiến sĩ y học của Đại học Oxford e rằng mình sẽ… bị thôi miên, vậy nên trước đó ông chuẩn bị sẵn 1 chiếc máy quay phim và máy ảnh, quay chụp lại toàn bộ quá trình này. Về sau, khi đem các đoạn phim ra xem, ông ngỡ ngàng khi thấy hình ảnh được máy quay ghi lại và những gì ông đã chứng kiến là hoàn toàn giống nhau. Câu chuyện này từng được các chuyên gia về Tây Tạng như Linaver, Spalding, và Huc nhắc đến từ trước, nhưng Jarl mới là người đầu tiên được tận mắt chứng kiến.
Tái hiện khung cảnh các tăng nhân Tây Tạng niệm chú nâng phiến đá lên độ cao 250 m. Trái: 19 nhạc cụ (kèn và trống) tạo thành 1/4 đường tròn so với tảng đá; Phải: các tăng nhân đứng thành hàng sau các nhạc cụ và niệm chú để nâng tảng đá lên “cửa động” ở độ cao 250 m (Hình vẽ minh họa của nhà thiết kế người Thụy Điển, Henry Kjellson). |
Các tài liệu cho rằng, cuốn phim của tiến sĩ Jarl đã được một hiệp hội thu nhận lại nhưng chúng đã không được công bố mãi cho đến những năm 1990. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có cơ hội được xem những thước phim mà tiến sĩ Jarl ghi lại. Và như vậy, vẫn còn đó một câu hỏi bỏ ngỏ: Liệu cuốn phim bằng chứng của Jarl đã từng được công bố hoặc đã từng tồn tại hay không, hay đây chỉ là một câu chuyện huyền bí về vùng đất Tây Tạng vốn luôn ẩn chứa những điều bí mật này?