Ký bừa phụ lục hợp đồng, khi nhận lương mới ‘ngã ngửa’

11:28 | 10/04/2017;
Khi ký kết hợp đồng, một công nhân may thấy phần phụ lục khá dài dòng nên đã ký bừa cho xong chuyện vì nghĩ không quan trọng. Tới lúc nhận lương mới 'ngã ngửa' vì thấy tiền nhận được không như hợp đồng đã ký.

Hỏi: Sau khi ký hợp đồng lao động, tôi được yêu cầu ký phụ lục lao động. Do nhận thức pháp luật hạn chế, không đọc kỹ các điều khoản của phụ lục hợp đồng nên tôi ký bừa. Nay khi nhận được tiền lương không như quy định trong hợp đồng lao động, tôi có lên thắc mắc thì trưởng phòng tổ chức - hành chính giải thích là do quy định trong phụ lục hợp đồng lao động. Tôi hết sức bất ngờ, tại sao hợp đồng lao động và phụ lục hợp đồng lại khác nhau như vậy? Đề nghị báo PNVN tư vấn giúp cách giải quyết!

Nguyễn Thị Quyên (công nhân công ty may thuộc tỉnh Bắc Ninh)

tu-van-phap-luat-lao-dong-97.jpg
 Ảnh minh họa

Trả lời

Đầu tiên phải khẳng định rằng, việc các bên khi giao kết có ký phụ lục hợp đồng lao động là việc hết sức bình thường, được pháp luật cho phép. Khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

“Điều 24. Phụ lục hợp đồng lao động

1-Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, việc sử dụng phụ lục lao động để làm sai lệch các điều khoản của hợp đồng, đi ngược với ý chí của người lao động là vi phạm pháp luật.

Khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động quy định:

“2-Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.

Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.”

Vì vậy, trong phụ lục hợp đồng lao động mà chị đã ký kết do không đọc kỹ nên bị quy định một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì theo quy định của pháp luật người sử dụng lao động phải thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.

Chị cần làm đơn khiếu nại với người sử dụng lao động, đề nghị hủy bỏ phụ lục hợp đồng lao động cũ, ký mới phụ lục hợp đồng lao động với các điều khoản không được làm sai lệch các điều khoản của hợp đồng, đi ngược với ý chí của chị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Luật sư, Trọng tài viên Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy)

Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật. Chuyên mục được thực hiện với sự cộng tác của Công ty Luật Hà Huy - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
lo-go-cty-ha-huy.jpg

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn