Đi trên con đường làng rải nhựa đẹp như đường quốc lộ của làng Thượng Nông (xã Bình Minh) trong buổi chiều đầu đông, tôi thỏa sức hít hà hương thơm ngọt của mạch nha, của lạc, của vừng... Những ngày này, làng Thượng Nông đang nhộn nhịp làm kẹo. Đây là thời điểm mà nghề làm kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng… vào vụ. Gia đình nào cũng hối hả, tất bất cho kịp mẻ hàng để chuyển đi khắp các tỉnh trong ngày hôm sau.
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất bánh kẹo Hồng Bắc, một trong những cơ sở có quy mô lớn nhất xã. Chị Vũ Thị Hồng (chủ cơ sở) đang cần mẫn ngồi nhặt mẻ lạc vừa rang thơm phức. Những hạt lạc to, chín vàng đều giòn tan. Để có sản phẩm kẹo lạc, kẹo dồi ngon nức tiếng, theo chị Hồng, khâu quan trọng nhất là nguyên liệu. "Lạc để làm kẹo phải chọn mua lạc loại A, hạt to đều, chắc mẩy, mười hạt như mười. Kẹo lạc ở Thượng Nông ngon hơn kẹo lạc những nơi khác, ấy là bởi người làng dùng một loại mạch nha nếp đặc biệt. Nguyên liệu làm nên thứ mạch nha tuyệt vời này là bột gạo nếp kết hợp với mộng mạ (thóc ngâm cho đến khi nảy ra được những mầm tương đối dài, sau đó phơi khô rồi giã nhỏ) và đường kính trắng loại hảo hạng nấu thành hỗn hợp nước có màu vàng sậm".
Tuy nhiên, theo chị Hồng, nguyên liệu mới chỉ quyết định được 50% thành công. Quan trọng vẫn là do người nấu. "Nấu được mạch nha thì tôi cho chảo xuống bếp, trộn đều với lạc đã được rang sẵn. Lạc và mạch nha "quấn" lại với nhau đặc sền sệt vẫn còn nóng hổi thì đổ ra khay, dùng chày để cán. Cán kẹo cũng đòi hỏi nhiều công phu. Phải cán đều tay, cán nhanh để kẹo đảm bảo đủ độ đồng đều và mịn"…
Trước đây, nghề làm kẹo lạc ở Bình Minh khá vất vả khi mọi công đoạn đều làm bằng tay, từ rang lạc, rang vừng, chà xát vỏ lạc… đến gói kẹo. Thế nhưng, hiện nay, máy móc đã làm giúp rất nhiều công đoạn, từ chà xát, đãi vỏ, đến xay rang, cắt… Song, dù có máy móc thì chị Hồng và những thành viên trong nhà vẫn phải tự tay làm những công đoạn quan trọng. Đó là tỉ mẩn nhặt từng hạt lạc xấu, hỏng vứt đi. Việc quan trọng nữa là phải canh đường, canh mạch nha, trộn các nguyên liệu cho đúng khẩu vị của người tiêu dùng hiện nay. Cơ sở sản xuất bánh kẹo Hồng Bắc có những sản phẩm chính như: Kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo lạc vừng, kẹo dồi, kẹo dồi vừng... Các loại kẹo hiện nay đã giảm độ ngọt hơn so với trước kia, có sử dụng thêm một số nguyên liệu mới như nếp cẩm.
Khi tôi thắc mắc về việc nhiều loại kẹo lạc ở ngoài thị trường thường có mùi hôi, chất lượng không ngon, chị Hồng cho biết, đó là do các cơ sở sản xuất chọn nguyên liệu không phải hàng đầu, chủ cơ sở sản xuất không trực tiếp làm các khâu quan trọng. "Nhiều người dựa hết vào máy móc hoặc để người lao động không giỏi nghề làm nên chất lượng rất thấp. Muốn làm ra loại kẹo ngon, đều phải có bí quyết riêng. Dù hàng nhiều đến bao nhiêu, bận bịu đến thế nào thì vợ chồng tôi vẫn tự tay làm những công đoạn quan trọng. Tôi luôn tâm niệm, không vì lợi nhuận mà đánh đổi chất lượng, phải giữ bằng được để làng nghề kẹo lạc truyền thống ở Bình Minh nức tiếng, bay xa khắp mọi nơi".
Thời điểm này, làng nghề kẹo lạc ở Bình Minh đang vào vụ, nhà nào cũng nhộn nhịp người làm suốt đêm ngày. "Những tháng cuối năm này, gia đình chúng tôi sản xuất 4-5 tạ kẹo/ngày nên ngoài 5 thành viên trong gia đình, chúng tôi phải thuê thêm một số lao động thời vụ. Từ năm 2021, các sản phẩm kẹo lạc vừng, kẹo vừng thanh của cơ sở sản xuất bánh kẹo Hồng Bắc đã được UBND tỉnh công nhận OCOP 3 sao", chị Hồng cho hay.
Trong bối cảnh nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề truyền thống "lao đao" do không đáp ứng được nhu cầu thị trường dẫn đến mất nghề, mất thương hiệu thì việc duy trì thành công nghề sản xuất kẹo lâu đời của địa phương đã khẳng định những nỗ lực rất đáng được trân trọng của chị Hồng và nhiều người dân trong làng. Từ đó, khích lệ người dân làng nghề nói riêng, phụ nữ nông thôn nói chung mạnh dạn khởi nghiệp, giữ "lửa nghề" và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn