Thông tin trên được công bố tại cuộc họp báo về kỳ họp Quốc hội lần thứ 11, khóa XIV diễn ra tại Hà Nội sáng nay (23/3). Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Vũ Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết, đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Cụ thể, Quốc hội sẽ dành nửa ngày để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Về công tác giám sát và các vấn đề quan trọng khác của đất nước, Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để tập trung một số nội dung như: Thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV...
Đặc biệt, Quốc hội dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.
Về công tác nhân sự, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết, kỳ họp sẽ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước. Nội dung này có nhiều quy trình nên kỳ họp dành phần lớn thời gian để thực thi.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, với mỗi chức danh, Quốc hội tiến hành quy trình bỏ phiếu miễn nhiệm, bỏ phiếu bầu chức danh mới. Các quy trình đều có thảo luận đoàn, sau đó Ủy ban Thường vụ họp lại, lắng nghe ý kiến tiếp thu rồi báo cáo Quốc hội danh sách, thành lập Ban Kiểm phiếu…
"Đây là quy trình chặt chẽ, tuần tự, ví dụ sau khi bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội mới tiến hành bầu Chủ tịch nước, sau đó mới giới thiệu Thủ tướng. Mọi quy trình đều có tuần tự, không thể làm tắt được nên chúng tôi phải dành phần lớn thời gian để thực hiện quy trình này", ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.
Kỳ họp sẽ chính thức khai mạc vào 9h sáng mai (24/3) tại Nhà Quốc hội (Hà Nội).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn