Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua một số luật tác động nhiều tới phụ nữ

17:08 | 18/10/2018;
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và cho ý kiến với Luật Giáo dục (sửa đổi). Đây là 2 dự thảo đặc biệt quan trọng ảnh hưởng tới hàng triệu học sinh, sinh viên cũng như tác động trực tiếp tới tất cả nữ giáo viên.

Như PNVN đã đưa tin, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (diễn ra từ ngày 22/10 đến 21/11) dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Trong số các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, 2 dự thảo luật được dư luận quan tâm, có sự tác động trực tiếp tới hàng triệu học sinh, sinh viên cũng như tất cả đội ngũ giáo viên mà phần lớn lao động trong ngành giáo dục là phụ nữ.

Tại buổi họp báo chiều 18/10, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

 

giao-vien-tieu-hoc_1.jpg
Ảnh minh họa

Tại kỳ họp này, Dự án Luật sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý, cụ thể như: Về hệ thống cơ sở giáo dục đại học dự kiến gồm trường Đại học và Đại học, Học viện và các cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó trường Đại học được coi là hạt nhân cơ bản, nền tảng của hệ thống.

Về đẩy mạnh tự chủ đại học: dự thảo quy định cơ chế bảo đảm thực hiện tự chủ thông qua việc xác định rõ về thiết chế hội đồng trường, phân định mối quan hệ giữa hội đồng trường với Hiệu trưởng; quy định cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở giáo dục đại học; bổ sung nhiều nội dung theo hướng tăng cường quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học về chuyên môn học thuật, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản.

images1096474_anh_114.jpg
Ảnh minh họa

 

Với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, Tổng thư ký Quốc hội cho biết: Tại kỳ họp thứ 5, sau khi thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Quốc hội đã quyết định mở rộng phạm vi sửa đổi của dự án luật nên tên luật từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được đổi thành Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để sửa đổi một cách toàn diện nhằm thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Dự thảo luật phải cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 với những nội dung liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan để quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đảm bảo tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn; tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo và huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. 

Tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV, các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn