Làng Hoa Tây thuộc tỉnh Giang Tô được mệnh danh là ngôi làng giàu nhất Trung Quốc - nơi gắn liền với những câu chuyện về sự thịnh vượng và lối sống xa hoa.
Ghé thăm ngôi làng này, du khách sẽ phải ngỡ ngàng khi thấy những dãy biệt thự liền kề cùng chiếc siêu xe đỗ la liệt trên vỉa hè, lòng đường. Quang cảnh nơi đây toát lên sự giàu có và trù phú.
Ngôi làng này được thành lập vào năm 1961 bởi Wu Renbao và hiện tại được quản lý bởi thành phố Giang Âm ở tỉnh Giang Tô, một vùng ven biển nổi tiếng với tài nguyên nông nghiệp phong phú và cảnh quan đẹp.
Trước khi nổi tiếng với sự giàu có như hiện tại, Hoa Tây là một ngôi làng nghèo, phần lớn người dân đều làm nông. Ban đầu, làng chỉ có 600 người vào những năm 1950, nhưng sau cuộc cải cách của Wu Renbao - cựu bí thư Đảng ủy của làng, Hoa Tây đã dần đổi mới và phát triển.
Theo đó, trong những năm 1960, Wu Renbao đã lãnh đạo dân làng địa phương trong việc phát triển công nghiệp. Sau khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, Làng Hoa Tây đã nắm bắt cơ hội để phát triển ngành công nghiệp sắt thép và đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.
Theo trang Thinkchina, đến đầu thế kỷ 21, có hơn 100 công ty thuộc Tập đoàn Hoa Tây, bao gồm sắt thép, kim loại màu, thuốc lá và bất động sản. Đến năm 2004, mức lương bình quân đầu người hàng năm của dân làng đã lên tới 122.600 RMB (25.200 đô la Singapore), gấp gần 42 lần thu nhập bình quân đầu người của nông dân Trung Quốc và gấp 13 lần mức lương bình quân đầu người của cư dân thành thị vào thời điểm đó.
Wu Renbao cho rằng là chỉ có tiền mới đem lại cuộc sống hạnh phúc. Do đó, ông đã thành công biến một ngôi làng nghèo thành một khu vực siêu giàu trong nửa thế kỷ, cho người dân gốc trong làng được hưởng những chế độ đãi ngộ rất tốt.
Trang Thinkchina cho biết, 2.000 cư dân trong làng đều có tài khoản tiết kiệm ít nhất là 250.000 USD và họ đều được hưởng những đặc quyền như sống trong biệt thự, sở hữu xe hơi sang trọng, được miễn phí y tế, giáo dục và thậm chí là dầu ăn. Tất nhiên, chỉ những người làng thực sự mới được hưởng chế độ này.
Khi một gia đình chuyển đến làng, chính quyền sẽ phát cho họ một trong những biệt thự này để sinh sống. Tuy nhiên, họ chia sẻ với AFP: "Ngay cả khi dân làng giàu lên, họ cũng không thể lấy đi tài sản cá nhân của mình khi rời làng, vì vậy vẫn còn những nghi ngờ liệu rằng những tài sản đó có thuộc về dân làng hay không".
Để đổi lại mức sống giàu có, dư dả này, người dân đều phải làm việc ở các công xưởng trong làng 7 ngày một tuần và cũng không có kỳ nghỉ. Còn với lao động nhập cư, họ không được nhận nhà, xe nhưng lương được trả cũng rất cao.
Tuy nhiên, tất cả người dân sống trong ngôi làng này phải tuân theo các nguyên tắc xã hội nghiêm ngặt. Cờ bạc và ma túy bị nghiêm cấm và không có quán bar, câu lạc bộ, quán cà phê Internet hoặc phòng hát karaoke. Trên thực tế, ngôi làng được thiết kế để mọi người làm việc và sau đó về nhà mà không có điểm vui chơi công cộng.
Cũng theo trang Thinkchina, khoảng một phần ba thu nhập của làng đến từ ngành công nghiệp sắt thép. HoaTây nhập khẩu nguyên liệu thô từ Ấn Độ và Brazil, sau đó xuất khẩu sản phẩm của mình sang hơn 40 quốc gia khác. Một phần khác đến từ nhà máy dệt, nơi chủ yếu là phụ nữ của làng làm việc tại các máy may. Ngôi làng hiện sở hữu 80 nhà máy và đã mở rộng sang những ngôi làng lân cận.
Để thể hiện sức mạnh kinh tế của mình, ngôi làng đã chi 3 tỷ NDT để xây dựng tòa nhà chọc trời Longxi International Hotel 74 tầng, cao tới 328 mét, ngang với tòa nhà cao nhất ở Bắc Kinh vào năm 2011. Tòa nhà được xếp hạng là tòa nhà chọc trời cao thứ 15 trên thế giới, vượt xa nhiều tòa nhà nổi tiếng như Tháp Eiffel ở Paris và Tòa nhà Chrysler ở New York. Tòa nhà có hơn 800 dãy phòng, có thể chứa khoảng 2.000 người. Trên tầng 60, họ còn trưng bày bức tượng một con bò lớn được chế tác từ một tấn vàng nguyên chất.
Từ một cộng đồng nông dân nghèo điển hình ở miền Đông, Hoa Tây trở thành ngôi làng biểu tượng cho sự mở rộng kinh tế của Trung Quốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn