Bài học về “kỷ luật thép”
Thời gian gần đây, dư luận tranh cãi về quan điểm giáo dục hà khắc mà trường THPT Lương Thế Vinh áp dụng, thể hiện trong lối rèn học sinh (HS) bằng vô số bản kiểm điểm hay điển hình là nội quy rất cứng mà trường áp dụng nhiều năm nay với HS.
Cũng là phụ huynh có con học THPT, chị Trần Thị Hà (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) suy nghĩ rất nghiêm túc về mọi nhìn nhận liên quan đến giáo dục HS. Ở góc nhìn của cha mẹ, chị Hà hoàn toàn tán thành với quan điểm cần nghiêm khắc với con nếu con hư. Tương tự, ở trường học, nếu con chị không ngoan, chị cũng ủng hộ việc nhà trường có thể phạt con mình dựa trên những nội quy đề ra.
Thế nhưng, sự nghiêm khắc dường như hơi thái quá của chính GV dạy con gái chị khiến chị Hà phải suy nghĩ lại lối giáo dục cứng nhắc này. “Con gái tôi cơ bản là ngoan, không nghịch phá, nhưng từ khi con vào lớp 10 và có GV chủ nhiệm quá nghiêm, con tôi trở nên nhút nhát một cách bất ngờ! Có lần đi học quên mang đồng phục, đưa con đến trường mà con giật mình hoảng hốt đòi mẹ vòng về nhà lấy quần áo cho bằng được. Con bảo con sợ cô phạt, con sợ xấu hổ khi nghe cô mắng trước bạn bè!”- nữ phụ huynh chia sẻ đầy bức xúc.
Con chị, từ một cô bé khá vui vẻ, hoạt bát, bỗng dần trở nên thiếu tự tin, lúc nào cũng trong cảm giác lo sợ: Sợ không làm đúng bài, sợ đến lớp trễ, sợ cô phạt nếu không tham gia các hoạt động xã hội dù chỉ là tự nguyện…
“Con có thể sợ và làm theo yêu cầu của giáo viên để thực hiện đúng nội quy, nhưng làm thế để được gì ngoài việc nhà trường đang giáo dục một đứa trẻ khuôn mẫu trong trường nhưng khi ra đời lại trở nên nhút nhát, thiếu tự tin, lúc nào cũng sống trong tâm trạng bất an, lo lắng? Tôi cho rằng, đó là một môi trường giáo dục thất bại!”- chị Hà nói.
Câu chuyện con rắn chết
Xung quanh đề tài kỷ luật thép trong nhà trường, Báo PNVN có dịp được trò chuyện với một thầy giáo nguyên là hiệu trưởng trường THPT dân lập tại Q. Hà Đông, Hà Nội. Hiện đã nghỉ hưu, nhưng ông tự nhận mình “may mắn” đi sâu vào chuyên đề kỷ luật nặng HS bởi rất nhiều năm công tác, ông từng quản lý trường có không ít HS cá biệt.
Dù đã 30 năm trôi qua, nhưng bây giờ ông vẫn nhớ một kỷ niệm sâu sắc liên quan đến việc kỷ luật học trò. Ông quản lý một GV chủ nhiệm, khá quý thầy giáo này. Một lần thầy đề nghị ông kỷ luật một HS của thầy vì em rất hư. Vì nể thầy giáo này quá nên ông đành nghe theo.
“Cá nhân tôi cũng đã giải thích cho HS hiểu là việc đuổi học là do em ấy. Em ấy không oán trách trường nhưng sơ hở của tôi là để cho em ấy oán trách GV chủ nhiệm. Một tuần sau khi bị đuổi học, em ấy mang một con rắn chết ném ngay trên bàn thầy chủ nhiệm. Câu chuyện càng khiến tôi rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc cân nhắc đuổi học HS. Khi đã kỷ luật HS, dù ít nhiều phải thật cân nhắc, phải nghhe đầy đủ. Nghe để tham khảo rồi quyết định kỹ. Thầy giáo nếu cứng nhắc quá thì người thiệt hại chính là HS”- ông chia sẻ.
Ông kể, thời sơ tán chiến tranh, ông còn biết có những HS mang thai. Việc có thai thời đó thì khủng khiếp vô cùng và ông rất cân nhắc khi xử lý trường hợp này. “Lúc ấy, tôi hỏi các đồng nghiệp xem phải xử lý thế nào. Sau đó lựa chọn cách giải quyết mềm mỏng, bí mật phân tích, cho em ấy tạm thời nghỉ học một thời gian, điều quan trọng nhất là để nữ sinh ấy không phải chịu sức ép dư luận”- ông kể.
“Tòa án” giáo dục không phải là đuổi học HS
Quan điểm của vị Hiệu trưởng già là kỷ luật HS không nên dựa vào những văn bản quá cứng nhắc mà cần nhìn tổng quát. Cần phân tích tội nặng thì thế nào là nặng, vì sao lại gây ra tội nặng như thế… HS bây giờ rất đa dạng, ngay cả PH cũng thế, vì vậy nghiêm túc là tốt, nhưng hướng chung bây giờ là phải tôn trọng sự khác biệt, là tự giác, dân chủ và phải thật linh hoạt.
Suy cho cùng, mục tiêu của giáo dục là thay đổi nhận thức, thói quen của HS, nhưng không được để các em quá sợ. Các em vẫn làm theo, nhưng không thấy thuyết phục thì không ổn. “Quan trọng là khi ra đời các em có nhận thức tốt hay không, giáo dục trong trường nhưng phải có hiệu quả lâu dài về sau, đấy mới là gốc rễ của giáo dục. Nếu HS thấy nghẹt thở quá thì rõ ràng hiệu quả giáo dục trong trường học là thất bại, thiếu sâu sắc. Nhận thức của HS sẽ phụ thuộc vào ứng xử của chính GV và nhà trường”- vị Hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng khẳng định rằng, đuổi HS là thất bại của nhà trường. “Liều thuốc” đuổi học cần được tính toán thật kỹ chứ không phải rập khuôn, cứ tưởng theo quy định là hay, nhưng với hoàn cảnh bây giờ, cần đặc biệt tính toán.
“Khi HS đó cố tình, kéo dài nhiều lần, ngang ngạnh thì mới tính đến việc đuổi, nhưng nếu kèm lý do xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể thì cân nhắc, nghe ngóng nhiều phía, có thể tạm đình chỉ học để răn đe, sau đó cho em ấy cơ hội sửa chữa”- ông nêu quan điểm.
Ông cũng tán thành với việc cần thiết phải có sự đối thoại với PH, thậm chí điều này rất quan trọng. Đối thoại với PH thì mới hiểu được sâu xa của vấn đề, từ đó ra quyết định có lý, có tình, sao cho quyết định của mình được đồng tình tối đa. Bản thân ông luôn sẵn sàng đối thoại riêng với cha mẹ HS nếu thấy cần thiết và dựa trên nhu cầu chính đáng của cả hai phía.
“Tòa án còn mất hàng tuần để phân xử, vì thế cũng nên xem đây là một tòa án giáo dục. Nhưng đã là tòa án giáo dục thì càng phải phân tích cho HS hiểu để tha thứ và cho HS cơ hội sửa chữa. Đối tượng của tòa án giáo dục không phải là đuổi cho sạch bóng những HS cá biệt”- ông khẳng định.